Trong quý II/2022, PV Power ghi nhận doanh thu đạt 7.462,39 tỷ đồng, giảm 6,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 582,1 tỷ đồng, giảm 32,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng chú ý biên lợi nhuận gộp giảm từ 14,4% về chỉ còn 12,4%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 19,2% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 221,4 tỷ đồng về 929 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 83,3%, tương ứng giảm 311,6 tỷ đồng về 62,25 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 8,1%, tương ứng tăng thêm 17,04 tỷ đồng lên 227 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 15,4%, tương ứng giảm 36,9 tỷ đồng về 202,28 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng 125,91 tỷ đồng lên 0,88 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 125,03 tỷ đồng) và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, PV Power ghi nhận doanh thu đạt 14.523,78 tỷ đồng, giảm 7% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.385,6 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ.
POW hụt doanh thu khác và tăng lỗ tỷ giá trong 6 tháng đầu năm (Nguồn: BCTC). |
Công ty cho biết doanh thu tài chính sụt giảm 72,8% so với đầu năm, tương ứng giảm 342,9 tỷ đồng về 127,95 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 9,1%, tương ứng giảm 33,49 tỷ đồng về 334,66 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu tài chính giảm do hụt doanh thu tài chính khác khi ghi nhận 0,73 tỷ đồng so với cùng kỳ 306 tỷ đồng, giảm 395,27 tỷ đồng so với cùng kỳ; đối với chi phí tài chính, mặc dù Công ty giảm chi phí lãi vay nhưng bất ngờ ghi nhận tới 38,6 tỷ đồng chi phí tư vấn tái cấu trúc so với cùng kỳ không ghi nhận.
Ngoài ra, tổng lỗ tỷ giá lên tới 82,24 tỷ đồng so với cùng kỳ là 16,67 tỷ đồng, tức tăng lỗ tỷ giá thêm 65,57 tỷ đồng.
Trong năm 2022, PV Power đặt kế hoạch tổng doanh thu 24.242 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 743 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty hoàn thành 186,5% kế hoạch năm (kế hoạch lợi nhuận năm 2022 đặt thấp, giảm 64% so với thực hiện năm 2021).
Dòng tiền PV Power ghi nhận âm kỷ lục từ năm 2014 tới nay
Xét về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm, PV Power ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 1.508,6 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 821,4 tỷ đồng, tức giảm 2.330 tỷ đồng so với cùng kỳ. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 238,8 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 77,8 tỷ đồng. Trong kỳ, Công ty đã phải giảm lượng tiền mặt để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.
Theo tìm hiểu, cổ phiếu POW niêm yết trên sàn HoSE từ đầu năm 2019 tới nay. Được biết, kể từ thời điểm niêm yết năm 2019 cũng như dữ liệu Báo cáo tài chính bắt đầu công bố từ năm 2014 tới nay, Công ty chưa năm nào dòng tiền kinh doanh chính âm. Như vậy, 6 tháng đầu năm với việc ghi nhận dòng tiền âm kỷ lục 1.508,6 tỷ đồng, đây là giá trị âm kỷ lục từ năm 2014 tới nay.
Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của PV Power tăng 8,9% so với đầu năm lên 57.698,8 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tài sản cố định đạt 30.487,2 tỷ đồng, chiếm 52,8% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 13.681 tỷ đồng, chiếm 23,7% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 7.135,3 tỷ đồng, chiếm 12,4% tổng tài sản và các tài sản khác.
Trong kỳ, tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 18,5% so với đầu năm, tương ứng giảm 1.619,6 tỷ đồng về 7.135,3 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 135,9%, tương ứng tăng thêm 7.881,6 tỷ đồng lên 13.681 tỷ đồng.
POW tăng phải thu của khách hàng trong 6 tháng đầu năm 2022 (Nguồn: BCTC). |
Công ty có thuyết minh phải thu ngắn hạn có dấu hiệu tăng đột biến do phải thu của khách hàng Công ty mua bán Điện tăng 5.886,4 tỷ đồng lên 11.150,3 tỷ đồng (đầu năm là 5.263,9 tỷ đồng). Ngoài ra, trả trước cho nhà thầu xây lắp cũng tăng thêm 1.907,5 tỷ đồng lên 2.007,7 tỷ đồng (đầu năm 100,2 tỷ đồng).
Ngoài ra, về nợ vay, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 3,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 284,6 tỷ đồng lên 8.742,4 tỷ đồng và chiếm 15,2% tổng nguồn vốn.
PV Power muốn niêm yết cổ phiếu Thủy điện Đakđrinh trên UPCoM
Trong buổi gặp chuyên gia phân tích mới đây tổ chức đầu tháng 7/2022, PV Power cho biết đang có kế hoạch đưa cổ phiếu Thủy điện Đakđrinh niêm yết trên sàn UPCoM trong năm nay.
Tính tới 31/3/2022, PV Power có 5 công ty con. Trong đó, PV Power sở hữu 95,27% vốn điều lệ tại CTCP Thủy điện Đakđrinh, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điện.
Thủy điện Đakđrinh được thành lập năm 2007 với 4 cổ đông sáng lập gồm Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (nay chuyển sang cho PV Power); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Tổng công ty Sông Đà - CTCP; và Tổng Công ty Licogi - CTCP với vốn điều lệ 930 tỷ đồng.
Tháng 2/2018, Thủy điện Đakđrinh tăng vốn điều lệ lên 1.020,7 tỷ đồng; tháng 3/2019, Công ty tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 1.160 tỷ đồng và vẫn duy trì vốn điều lệ tới 31/12/2021 là 1.160 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Thủy điện Đakđrinh là chủ đầu tư Dự án Thủy điện Đakđrinh, dự án được bố trí ở lưu vực sông Đakđrinh thuộc huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi và huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 70km về phía Tây.
Nhà máy Thủy điện Đakđrinh có công suất thiết kế 125 MW, bao gồm 02 tổ máy với tổng mức đầu tư 5.921 tỷ đồng, sản lượng điện trung bình hàng năm là 540,925 triệu KWh.
Nhà máy vận hành phát điện thương mại hòa vào mạng lưới quốc gia tổ máy số 1 vào tháng 6/2014, tổ máy số 2 vào tháng 9/2014.
Trong năm 2021, Thủy điện Đakđrinh ghi nhận sản lượng 620 triệu kWh, đạt 130% kế hoạch; doanh thu đạt 613 tỷ đồng, đạt 122% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt 206 tỷ đồng. Trước đó, năm 2020, Thủy điện Đakđrinh ghi nhận sản lượng 505 triệu kWh, doanh thu 477 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 84 tỷ đồng.
Thêm nữa, trong 5 tháng đầu năm 2022, Thủy điện Đakđrinh ước tính ghi nhận sản lượng điện là 39,3 triệu kWh và doanh thu 46,4 tỷ đồng. Như vậy, 5 tháng đầu năm 2022, doanh thu ghi nhận, bằng 7,6% tổng doanh thu năm 2021.