Biên lợi nhuận đạt 5,4%, thấp nhất từ năm 2014 tới nay
Trong quý III/2023, PV Power ghi nhận doanh thu đạt 5.679,49 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 52,38 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 11,6%, về còn 5,4%.
Được biết, theo dữ liệu iBoard của Chứng khoán SSI theo năm, từ năm 2014 đến năm 2022, biên lợi nhuận gộp của Công ty PV Power chưa bao giờ giảm về 5,4%. Trong đó, biên lợi nhuận gộp thấp nhất năm 2021 là 10,34% và biên lợi nhuận gộp cao nhất năm 2017 là 16,57%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 56,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 395,74 tỷ đồng, về 306,93 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 45,4%, tương ứng tăng thêm 43,39 tỷ đồng, lên 138,94 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 3,3%, tương ứng tăng thêm 6,81 tỷ đồng, lên 213,4 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 61,5%, tương ứng giảm 237,9 tỷ đồng, về 148,74 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí quản lý doanh nghiệp), trong quý III, Công ty PV Power ghi nhận lỗ 55,21 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 109,44 tỷ đồng, giảm 164,65 tỷ đồng.
Như vậy, lợi nhuận gộp của PV Power tạo ra trong quý III không đủ trả chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp, Công ty thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính tăng đột biến.
Mặc dù vậy, PV Power không thuyết minh cơ cấu doanh thu tài chính trong quý III mà thuyết minh cơ cấu doanh thu tài chính trong 9 tháng đầu năm 2023.
Lợi nhuận 9 tháng giảm 44,5% và mới hoàn thành 79% kế hoạch năm
Luỹ kế trong 9 tháng đầu năm 2023, PV Power ghi nhận doanh thu đạt 21.533,16 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 883,62 tỷ đồng, giảm 44,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2023, PV Power đặt kế hoạch tổng doanh thu 30.332 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.118 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm 2023 với lợi nhuận sau thuế đạt 883,62 tỷ đồng, PV Power đã hoàn thành 79% so với kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính tới 30/9/2023, tổng tài sản của PV Power tăng 11,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 6.764,8 tỷ đồng, lên 63.608 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định ghi nhận 27.092,5 tỷ đồng, chiếm 42,6% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 17.176,2 tỷ đồng, chiếm 27% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 9.248 tỷ đồng, chiếm 14,5% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Trong kỳ, tài sản biến động mạnh chủ yếu khoản mục các khoản phải thu ngắn hạn tăng 37% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 4.638,7 tỷ đồng, lên 17.176,2 tỷ đồng; tài sản dở dang dài hạn tăng 427,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 3.999,9 tỷ đồng, lên 4.935,5 tỷ đồng…
Cơ cấu phải thu khách hàng của PV Power tại thời điểm 30/9/2023 (Nguồn: POW) |
Công ty cho biết biến động các khoản phải thu ngắn hạn chủ yếu liên quan tới phải thu của Công ty Mua bán Điện tăng 46% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 4.454,6 tỷ đồng, lên 14.144,2 tỷ đồng.
PV Power đẩy mạnh đầu tư dự án Nhà máy Điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 trong 9 tháng đầu năm 2023 (Nguồn: PV Power) |
Đối với tài sản dở dang dài hạn, biến động tăng chủ yếu do dự án Nhà máy Điện khí Nhơn Trạch 3,4 tăng từ 729,5 tỷ đồng, lên 3.825 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, tính tới cuối quý III, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của PV Power tăng 2,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 262,8 tỷ đồng, lên 9.279,8 tỷ đồng và chiếm 14,6% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 5.372,2 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 3.907,6 tỷ đồng.
Công ty con của PV Power nộp hồ sơ chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE
Một diễn biến đáng lưu ý, ngày 18/9/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết 235,2 triệu cổ phiếu của CTCP Thuỷ điện Hủa Na (mã HNA - đang giao dịch trên UPCoM).
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na đăng ký kinh doanh lần đầu tiên ngày 16/5/2007, được thành lập bởi 2 cổ đông sáng lập là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) với số vốn điều lệ là 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính tới 30/6/2023, cơ cấu cổ đông của Thủy điện Hủa Na đã có sự thay đổi khá lớn.
Cụ thể, tính tới 30/6/2023, cổ đông của Thủy điện Hủa Na bao gồm Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP sở hữu 80,72% vốn điều lệ; Ngân hàng thương mại cổ phần Bắc Á sở hữu 4,91% vốn điều lệ; Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân Đội sở hữu 4,46% vốn điều lệ; Tổng công ty Lắp máy Việt Nam sở hữu 3,71% vốn điều lệ; còn lại 6,2% vốn điều lệ thuộc về cổ đông khác.
Về ngành nghề kinh doanh, Thủy điện Hủa Na kinh doanh chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh điện năng. Trong đó, Công ty quản lý, vận hành Nhà máy Thủy điện Hủa Na có công suất thiết kế 180 MW, bao gồm 2 tổ máy với tổng mức đầu tư khoảng 7.092 tỷ đồng, sản lượng điện trung bình năm là 712,7 triệu kwh và dự án nhà máy Thủy điện Hủa Na chính thức hoàn thành và sử dụng từ năm 2013 tới nay.
Được biết, Thủy điện Hủa Na thuộc địa phận xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/10, cổ phiếu POW tăng 200 đồng, lên 11.000 đồng/cổ phiếu.