Tài chính - Chứng khoán
PVI Re tham vọng tăng vốn điều lệ lên 1.100 tỷ đồng
Chí Tín - 26/01/2014 08:03
Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm PVI (PVI Re) đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gấp 1,65 lần, từ 668 tỷ đồng hiện nay lên 1.100 tỷ đồng. Đại gia bảo hiểm PVI Hodings nhảy vào bất động sản >PVI Re thay cả chủ tịch lẫn tổng giám đốc

Ngay sau đợt nghỉ Tết Giáp Ngọ tới đây, PVI Re sẽ triển khai việc phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ từ 668 tỷ đồng lên 825 tỷ đồng và theo lộ trình, sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 1.100 tỷ đồng vào đầu năm 2015.

Tuy mới thành lập được 3 năm nay, nhưng PVI Re có tốc độ tăng trưởng khá nhanh. Ảnh: Chí Tín

Theo ông Lê Hoài Nam, Chủ tịch HĐQT PVI Re, trong các đợt tăng vốn sắp tới, ngoài các đối tượng ưu tiên là các cổ đông hiện hữu và các đối tác chiến lược của PVI Re, Công ty cũng mở rộng phát hành cho cả các nhà đầu tư bên ngoài quan tâm.

PVI Re là một trong 2 công ty tái bảo hiểm đang hoạt động tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, tuy mới thành lập 3 năm nay, nhưng có tốc độ tăng trưởng khá nhanh. Trong năm đầu tiên hoạt động (năm 2011), tổng doanh thu của PVI Re chỉ đạt xấp xỉ 114 tỷ đồng. Đến năm 2012, doanh thu nhận tái bảo hiểm của công ty này đã vọt lên mức 1.260 tỷ đồng. Và năm 2013, PVI Re đạt doanh thu tới 1.600 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2012.

Với quy mô như hiện nay, doanh thu tái bảo hiểm của PVI Re đã đạt xấp xỉ đại gia truyền thống nhiều năm trong lĩnh vực tái bảo hiểm tại Việt Nam là Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare). Hiện Vinare chưa công bố chính thức doanh số của cả năm 2013, nhưng theo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí nhận tái bảo hiểm của Vinare đạt 1.110,7 tỷ đồng, bằng 91,2% so với cùng kỳ năm 2012, trong khi đó, kế hoạch cả năm 2013 chỉ ở mức hơn 1.400 tỷ đồng.

Theo đại diện của PVI Re, một trong những lý do khiến công ty này muốn tăng vốn nhanh trong thời gian tới là nhằm cải thiện năng lực tài chính làm cơ sở để cải thiện xếp hạng quốc tế. Trong 2 năm vừa qua, điểm xếp hạng năng lực tài chính của PVI Re do Tổ chức xếp hạng quốc tế A.M.Best đánh giá là B+. Theo đó, trong năm 2014, công ty này sẽ tiếp tục cải tổ nhằm tăng 1 bậc xếp hạng lên B++.

Do đó, ngoài việc tăng vốn, PVI Re còn đang thực hiện đầu tư nâng cấp hệ thống quản trị rủi ro thông qua việc đưa vào vận hành Hệ thống quản lý rủi ro theo ERM. Đây là hệ thống giải pháp giúp doanh nghiệp bền bỉ hơn trước các rủi ro và khả năng ứng phó với các sự cố bất ngờ trong kinh doanh.

Những động thái của PVI Re trong thời gian gần đây cho thấy, tham vọng của công ty này không dừng lại ở thị trường trong nước, mà đang nhắm đến những mảnh đất màu mỡ từ thị trường tái bảo hiểm quốc tế.

Theo đó, công ty này cũng đang khai thác tối đa sự hỗ trợ của đối tác chiến lược là Tập đoàn Talanx - một tập đoàn bảo hiểm của Đức, nằm trong top 10 trên thế giới về doanh thu phí bảo hiểm, đang nắm giữ gần 33% cổ phần tại công ty mẹ của PVI Re (Công ty cổ phần PVI - PVI Holdings) và là cổ đông lớn thứ 2 tại PVI Holdings, chỉ sau Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Đầu năm 2014, Talanx vừa đưa PVI Re vào danh sách Security List (danh mục các nhà tái bảo hiểm đủ tiêu chuẩn) của họ. Việc có tên trong danh mục Security List là điều kiện để một đối tác được phép nhận các hợp đồng tái bảo hiểm lớn của Tanlanx.

Trước đó, Hannover Re và Aon Benfield cũng đã đưa PVI Re vào danh sách đối tác tin cậy. Hannover Re là nhà tái bảo hiểm phi nhân thọ lớn thứ 4 trên thế giới theo xếp hạng của A.M.Best, còn Aon Benfield là môi giới tái bảo hiểm hàng đầu thế giới có mạng lưới tại trên 50 quốc gia trên thế giới.

Tin liên quan
Tin khác