Tận dụng cơ hội cước chở dầu tăng
Cước vận chuyển tàu trên tuyến biển đang có sự phân hóa tương đối mạnh. Trong đó, cước vận chuyển hàng hóa lao dốc do nhu cầu hàng hóa suy giảm và nguồn cung tàu tăng lên. Ngược lại, cước chở dầu có dấu hiệu “tăng nóng” những tháng gần đây. Theo nguồn tin của Bloomberg khảo sát các nhà môi giới tàu biển, chi phí xuất bến đối với những tàu được gọi là tàu chở dầu thô khoảng 120.000 - 130.000 USD/ngày, tăng 50.000 USD so với 2 tháng trước.
Các chuyên gia cho biết, nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng cước vận chuyển dầu tăng cao là việc châu Âu thực hiện các lệnh cấm và hạn chế xuất khẩu dầu từ Nga sang châu Âu, buộc Nga phải chuyển hướng xuất khẩu dầu sang các khu vực khác với khoảng cách và thời gian vận chuyển dài hơn. Nhu cầu tàu chở dầu tầm xa tăng lên, trong khi đội tàu chở dầu hiện tại không đáp ứng kịp đang và tiếp tục đẩy cước chở dầu tăng cao và chưa có dấu hiệu đạt đỉnh.
Cước chở dầu có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, giúp các hãng tàu chở dầu có thể tận dụng cơ hội, trong đó có. Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã PVT) - công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
PVTrans hiện có đội tàu chở dầu lớn nhất Việt Nam, phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu thụ dầu khí trong nước. Nhiều năm trở lại đây, Ban lãnh đạo Công ty liên tục thực hiện chiến lược trẻ hóa đội tàu khi mua mới tàu và thanh lý tàu cũ. Thêm nữa, sau khi thống lĩnh thị trường chở dầu trong nước, Công ty đang và tiếp tục từng bước tăng sự hiện diện trên các tuyến quốc tế bằng việc cung cấp dịch vụ vận tải và cho thuê tàu.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tháng 6/2022, Ban lãnh đạo PVTrans chia sẻ, đội tàu của Công ty có tới 80% hoạt động tuyến quốc tế và cơ cấu doanh thu vận chuyển quốc tế, đóng góp từ 60% đến 65% tổng doanh thu của Công ty. Trong đó, đội tàu chở dầu thô chiếm khoảng 35-40%; đội tàu chở hoá chất chiếm 35%- 40%, còn lại là các loại tàu khác.
Đặc biệt, PVTrans thực hiện nhiều hợp đồng cho thuê tàu định hạn trong những năm trước, nên chưa cập nhật được cước vận tải ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, trong vòng 1 - 2 năm tới, khi các hợp đồng thuê tàu định hạn kết thúc, Công ty sẽ nhanh chóng cập nhập giá cước mới theo giá thị trường. Ban lãnh đạo PVTrans tự tin giá cước trong tương lai sẽ tốt hơn năm 2022.
Duy trì tốc độ tăng trưởng từ năm 2012 tới nay
Giai đoạn năm 2010-2011, PVTrans là một đơn vị khó khăn nhất của PVN khi nợ lớn, nhiều tàu vận chuyển hàng lỏng phải nằm bờ vì không cạnh tranh nổi với tàu nước ngoài. Tuy nhiên, từ năm 2012 tới nay, PVTrans liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước.
Trong đó, từ năm 2013 đến 2021, doanh thu tăng trưởng trung bình 5,68% và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng trung bình 13,9%. Trong 9 tháng đầu năm 2022, PVTrans ghi nhận doanh thu đạt 6.608,82 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 831,51 tỷ đồng, tăng 37,9% so với cùng kỳ, trong đó biên lợi nhuận duy trì ở mức 17,4%.
Đặc biệt, từ khi tái cơ cấu từ năm 2013 tới 9 tháng đầu năm 2022, PVTrans liên tục duy trì mô hình kinh doanh tạo ra tiền. Cụ thể, tổng dòng tiền kinh doanh chính giai đoạn này dương 9.644,37 tỷ đồng, dòng tiền đầu tư âm 7.759,45 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 1.172,28 tỷ đồng. Dòng tiền kinh doanh chính tạo ra giúp Công ty phục vụ kế hoạch đầu tư mở rộng và giảm huy động vốn bên ngoài.
Tính tới ngày 30/9/2022, PVTrans sở hữu tới 3.694,9 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 25,9% tổng tài sản. Trong khi đó, tổng nợ vay đạt 3.995,47 tỷ đồng, chiếm 28% tổng nguồn vốn. Như vậy, Công ty chỉ có nợ vay ròng khoảng 300,57 tỷ đồng, chiếm 2,1% tổng nguồn vốn, một tỷ lệ nợ vay tương đối thấp so với thời điểm 31/12/2012 (tổng nợ vay ròng 2.718,78 tỷ đồng, chiếm 34,3% tổng nguồn vốn).n