Kể từ năm 2008, để khôi phục kinh tế sau cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn, Mỹ đã lần lượt áp dụng 3 gói nới lỏng định lượng, với tổng giá trị 3.000 tỷ USD. Trong các năm 2009-2011, cán cân vãng lai suy giảm do khủng hoảng 2008 tại Mỹ và kinh tế thế giới đình trệ. Thặng dư cán cân vãng lai giảm từ mức đỉnh điểm 420 tỷ USD năm 2008 xuống chỉ còn 136 tỷ USD năm 2011.
Tuy nhiên, cán cân thanh toán tổng thể vẫn duy trì ở mức cao. Đó là do cán cân vốn và tài chính đã tăng mạnh, bù đắp cho sự sụt giảm của cán cân vãng lai. Cán cân vốn và tài chính của Trung Quốc thặng dư ngày càng lớn, tăng từ mức 40 tỷ USD năm 2008 lên kỷ lục 346 tỷ USD năm 2013, gấp 2,3 lần thặng dư tài khoản vãng lai cùng kỳ. Nhờ vậy, dự trữ ngoại hối của nước này vẫn được duy trì ở mức rất cao, đạt đỉnh 3.990 tỷ USD vào tháng 6/2014.
Mỹ đã chấm dứt gói nới lỏng định lượng QE3 vào tháng 10/2014 |
Việc Mỹ chấm dứt gói nới lỏng định lượng QE3 vào tháng 10/2014 và bắt đầu tăng lãi suất USD trở lại từ tháng 12/2015 có tác động tới các thị trường mới nổi qua việc dòng vốn nóng bị rút ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Trung Quốc và quay trở về Mỹ. Cán cân thanh toán của Trung Quốc trong năm 2015 thâm hụt lần đầu tiên trong vòng 23 năm kể từ năm 1992, với mức sụt giảm kỷ lục 512 tỷ USD.
Việt Nam và Trung Quốc có cùng điểm chung về lựa chọn chính sách quản lý ngoại hối: quản lý chặt chẽ dòng vốn đầu tư ra nước ngoài và neo tỷ giá bản tệ với USD. Việc đồng nội tệ được neo với USD (neo tỷ giá cố định hoặc neo tỷ giá với biên độ được điều chỉnh tùy thời điểm), đồng thời lãi suất thị trường cao hơn lãi suất thấp kỷ lục của USD trong cùng thời kỳ, đã khiến Trung Quốc và Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn nóng USD. Với dòng tiền hưởng chênh lệch lãi suất, đầu tư vào các nước neo tỷ giá có rủi ro tỷ giá thấp hơn so với các thị trường có đồng nội tệ được thả nổi tự do. Vì vậy, trong giai đoạn 2009-2011, thặng dư vốn và tài chính ở mức cao đối với cả Trung Quốc và Việt Nam.
Tuy nhiên, khác với Trung Quốc, cán cân vãng lai của Việt Nam chỉ có thặng dư kể từ năm 2011 nhờ xuất khẩu ròng của khối doanh nghiệp FDI tăng mạnh. Điều này khác với tại Trung Quốc ở chỗ, cho dù đồng nhân dân tệ có tăng giá trong các năm 2005-2014, nhân dân tệ vẫn được cho là ở mức dưới giá trị thực, hỗ trợ xuất khẩu của khu vực nội địa.
9 tháng đầu năm 2015, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam suy giảm, thâm hụt 3,4 tỷ USD, giảm mạnh so với mức dương gần 11 tỷ USD của 9 tháng cùng kỳ năm 2014. Trong đó, cán cân vốn và tài chính chỉ thặng dư 326 triệu USD, giảm 95% so với mức thặng dư 6,9 tỷ USD cùng kỳ năm 2014. Đáng chú ý nhất là sự sụt giảm mạnh khoản mục tiền và tiền gửi trong cả 3 quý so với cùng kỳ.
Cụ thể, các tổ chức tín dụng và dân cư đã đem gửi ra nước ngoài khoảng 3,4 tỷ USD trong quý II và 8 tỷ USD trong quý III/2015. Đồng thời, các nhà đầu tư nước ngoài cũng chuyển các khoản tiền gửi của họ tại Việt Nam ra nước ngoài tương ứng 732 triệu USD trong quý III. Tổng cộng 9 tháng, lượng ngoại tệ được gửi ra nước ngoài đạt gần 10 tỷ USD, tăng gấp gần 3 lần so với mức 3,1 tỷ USD cùng kỳ năm 2014. Cán cân vãng lai thặng dư chỉ 5 triệu USD so với mức thặng dư 7,15 tỷ USD cùng kỳ do thâm hụt thương mại tiếp tục ở mức cao tại các doanh nghiệp nội.