Đầu tư
Quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Liên bang Nga: Kỳ vọng vào các dự án ưu tiên
Nguyên Đức - 05/09/2018 07:47
Rất nhiều kế hoạch hợp tác đầu tư Việt Nam - Liên bang Nga đã được xây dựng. Nhưng điều quan trọng là làm sao biến kế hoạch thành hiện thực, biến tiềm năng thành một sự bùng nổ thực sự trong hợp tác đầu tư song phương.

Động lực mới

Hai ngày nữa (ngày 7/9), Tập đoàn TH sẽ khởi công xây dựng Nhà máy Chế biến sữa tươi sạch, công suất 1.500 tấn/ngày tại Khu kinh tế đặc biệt Borovsk (Kaluga, Liên bang Nga). Đây là nhà máy có quy mô và công nghệ hiện đại nhất nước Nga, đồng thời cũng là nhà máy chế biến sữa tươi sạch đầu tiên của Tập đoàn TH tại Liên bang Nga.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, dự kiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tham dự sự kiện này, đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ hợp tác đầu tư Việt Nam - Liên bang Nga.

Dự án của TH có thể coi là một động lực mới thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt Nam - Liên bang Nga. Trong ảnh: Dự án trang trại chăn nuôi bò sữa của TH tại Moscow. Ảnh: H.T

Thực tế, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào 68 năm trước, quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Liên bang Nga đã không ngừng được mở rộng và phát triển. Đặc biệt, kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (bao gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Amenia và Kyrgyzstan), bắt đầu có hiệu lực từ tháng 10/2016, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng trên 30%/năm, đạt 3,55 tỷ USD trong năm 2017.

Trong khi đó, về đầu tư, tính đến nay, Nga có 117 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 931 triệu USD, đứng thứ 23 trong số các quốc gia và vùng lãnh thồ đầu tư vào Việt Nam. Ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Nga 13 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 3 tỷ USD. Dự án của TH có thể coi là một ví dụ điển hình, là một động lực mới thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt Nam - Liên bang Nga.

TH - sau thành công với Dự án Chăn nuôi bò và chế biến sữa tươi sạch ở Việt Nam, đã quyết định đầu tư sang Nga, vừa vì mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, vừa là để tận dụng một cơ hội thị trường có một không hai: rất rộng lớn nhưng lại đang thiếu sữa.

Theo kế hoạch, TH sẽ đầu tư tới 2,7 tỷ USD vào Nga trong vòng 10 năm, trong đó giai đoạn I là 500 triệu USD. Rất nhanh sau khi được nhận chứng nhận đầu tư, TH đã khởi công xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa tại Moscow vào tháng 5/2016 và sau đó, là khởi công xây dựng trang trại ở Kaluga vào tháng 10/2016. Cuối năm ngoái, 1.100 con bò sữa đầu tiên đã được nhập khẩu từ Mỹ về trang trại TH ở Moscow, để đầu năm 2018, TH chính thức khánh thành trang trại đầu tiên ở Nga.

Và 2 hôm nữa, sẽ là nhà máy chế biến sữa đầu tiên. Khi nhà máy này hoàn thành, các sản phẩm sữa mang thương hiệu TH sẽ chính thức được bày bán ở Nga. Sau đó, thị trường tiếp tục được mở rộng, khi mà lần lượt các dự án tiếp theo sẽ được xây dựng, ở Tyumen (Cộng hòa Baschkorstan), ở vùng Viễn Đông…

Hiện tại, phần lớn các dự án đầu tư của Việt Nam sang Nga đều trong lĩnh vực dầu khí và của các doanh nghiệp nhà nước. Trong số này, đáng chú ý là các dự án Công ty liên doanh Rusvietpetro, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,02 tỷ USD, triển khai tại Khu tự trị Nhenhexky để thăm dò và khai thác dầu khí; hay Dự án Công ty liên doanh Rusvietpetro, 125 triệu USD, cũng để thăm dò và khai thác dầu khí tại mỏ Nagumanov, Orenburg. Ngoài ra, còn dự án 190 triệu USD để xây dựng Trung tâm Thương mại Hà Nội - Moscow tại TP. Moscow...

Bởi thế, dự án của TH, trên một góc độ nào đó, có thể sẽ góp phần quan trọng tạo chuyển biến tích cực trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Liên bang Nga, đồng thời có thể tạo động lực mới để mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam ở thị trường Nga.

Kỳ vọng vào các dự án ưu tiên

Trái ngược với xu hướng vốn đầu tư từ Việt Nam sang Nga đang gia tăng nhanh chóng, thì vốn đầu tư từ Nga vào Việt Nam chậm lại đáng kể trong thời gian gần đây. Trong 8 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp Nga chỉ đầu tư vào Việt Nam 2,7 triệu USD, quá thấp so với tiềm lực và nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp hai nền kinh tế, cũng như quá ít ỏi so với kỳ vọng. Lũy kế tính đến ngày 20/8/2018, các nhà đầu tư Nga mới chỉ đăng ký đầu tư vào Việt Nam 931 triệu USD.

Thực tế, cho đến nay, đầu tư của Nga vào Việt Nam cũng chủ yếu trong lĩnh vực truyền thống dầu khí. Ngoài Vietsovpetro, luôn là biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác bền chặt Việt - Nga, thì còn có các liên doanh Rusvietpetro, Vietgazprom, Gazpromviet…, được thiết lập để mở rộng hợp tác dầu khí ở Việt Nam, Nga và các nước thứ ba.

Điều mà dư luận trông chờ là một sự bùng nổ đầu tư của Nga vào Việt Nam, nói đúng hơn là sự bùng nổ hợp tác đầu tư của cả hai bên. Bởi thực tế, dư luận nhắc tới rất nhiều kế hoạch hợp tác đầu tư giữa các bên, nhất là sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu có hiệu lực.

Ngoài thông tin hợp tác đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, nhất là hợp tác giữa Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), còn có danh mục 20 dự án ưu tiên hợp tác đầu tư Việt Nam - Liên bang Nga, với vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD, được nhấn mạnh vào giữa năm ngoái. Ngoài ra, còn có các dự án triển vọng trong các lĩnh vực mới như nông nghiệp, dược liệu, vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD.

Trong số các dự án này, có thể kể đến kế hoạch Tập đoàn Sollers sẽ xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô công suất ban đầu 1.000 xe/năm tại Việt Nam.

Những thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ là cú hích mới quan trọng để thúc đẩy dòng chảy đầu tư hai chiều. Điều dư luận trông chờ là các cam kết, các kế hoạch đầu tư này sẽ sớm được triển khai trong thực tế, tạo sự bùng nổ trong hợp tác đầu tư Việt Nam - Liên bang Nga.

Tin liên quan
Tin khác