Quy mô thị trường quản lý gia sản Việt Nam có thể lên tới hàng ngàn tỷ USD. |
Thị trường ngàn tỷ USD
Theo ước tính của chuyên gia McKinsey, thị trường quản lý gia sản của Việt Nam sẽ đạt quy mô 600 tỷ USD vào năm 2027. Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc điều hành AFA Capital ước tính, nếu tính cả vàng và bất động sản, quy mô thị trường này của Việt Nam lên tới hàng ngàn tỷ USD.
Tầng lớp người giàu và trung lưu tăng nhanh, khiến thị trường quản lý gia sản và thị trường quản lý tài sản ngày càng trở nên hấp dẫn. Báo cáo thịnh vượng của Knight Frank (Anh) dự báo, từ năm 2023 tới năm 2028, tốc độ gia tăng người siêu giàu tại Việt Nam sẽ nhanh hàng đầu thế giới, đứng thứ 5 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với mức tăng 30%, chỉ xếp sau Ấn Độ (50,1%), Trung Quốc (47%), Thổ Nhĩ Kỳ (42,9%), Malaysia (34,6%).
Tại thị trường Việt Nam hiện nay, các tổ chức quản lý gia sản chính là ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty bảo hiểm, fintech… Trong đó, ngân hàng đang là đơn vị quản lý gia sản lớn nhất nhờ uy tín, mạng lưới rộng lớn và sản phẩm đa dạng. Nhiều ngân hàng thành lập cả công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm. Tuy vậy, theo đánh giá của chuyên gia McKinsey, các giải pháp sản phẩm quản lý gia sản của ngân hàng Việt Nam còn ở giai đoạn sơ khai.
Mặc dù có tiềm năng vô cùng to lớn, nhưng ngành quản lý gia sản tại Việt Nam chưa phát triển tương xứng và hầu như không theo kịp nhu cầu của khách hàng. Đa phần khách hàng vẫn tự đưa ra quyết định đầu tư, thay vì tìm đến các trung gian quản lý gia sản.
Nhiều người cho rằng, tài sản phải lên tới hàng triệu USD mới cần tính đến quản lý gia sản, song theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc quản lý gia sản cần phải tiến hành từ khi còn rất sớm, trước hết là tiết kiệm, tích lũy, rồi đến đầu tư. Dù tỷ lệ người dân tham gia dịch vụ quản lý gia sản còn thấp, nhưng tiềm năng thị trường rất lớn do nhà đầu tư Việt Nam có khuynh hướng thích đầu tư và có mức độ chấp nhận tỷ lệ rủi ro cao.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng
Nguyên nhân khiến thị trường quản lý gia sản Việt Nam còn èo uột là do sản phẩm chưa đa dạng, hành lang pháp lý chưa đồng bộ, các đơn vị quản lý tài sản chưa tạo được niềm tin với nhà đầu tư, chất lượng đội ngũ tư vấn quản lý gia sản chưa cao…
“Khách hàng không tin tưởng các tổ chức tài chính. Họ nghi ngờ không biết các tổ chức tài chính có thực sự quan tâm đến lợi ích của họ không. Chẳng hạn, họ tin rằng, các chuyên viên quan hệ khách hàng của ngân hàng bán sản phẩm vì lợi ích của ngân hàng, chứ không phải vì lợi ích khách hàng. Các khoản phí ẩn cũng có thể làm nảy sinh cảm giác rằng, các tổ chức tài chính không minh bạch về giá. Do đó, khách hàng có xu hướng chọn phần lớn tài sản vào sản phẩm tiết kiệm truyền thống, thay vì tìm đến dịch vụ tư vấn quản lý gia sản”, chuyên gia tư vấn McKinsey nhận định.
Trên thực tế, việc nhân viên ngân hàng “hô biến” sản phẩm tiết kiệm thành hợp đồng trái phiếu hay hợp đồng bảo hiểm những năm trước đã làm mất niềm tin của nhà đầu tư.
“Muốn thị trường quản lý gia sản phát triển thì các trung gian, các nhà tư vấn chuyên nghiệp phải phát triển vững chắc và ổn định, khi đó mới tạo được niềm tin cho nhà đầu tư”, TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị.
Tâm điểm thị trường quản lý gia sản
Ông Nguyễn Minh Tuấn cho hay, hiện nay, khách hàng thị trường quản lý gia sản Việt Nam cơ bản được chia thành ba phân khúc: có tài sản đầu tư (tiền gửi, vàng, cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp…) dưới 1 tỷ đồng; có tài sản đầu tư 1-5 tỷ đồng và trên 5 tỷ đồng.
Hầu hết khách hàng cá nhân tìm đến dịch vụ quản lý gia sản của AFA Capital có tài sản ròng trên 20 tỷ đồng. Đây là những người có tài sản lớn và không có thời gian để trực tiếp quản lý danh mục tài sản đầu tư của mình. Dù vậy, theo ông Tuấn, nhóm cá nhân có tài sản đầu tư 1-5 tỷ đồng tìm đến dịch vụ quản lý gia sản đang có tốc độ tăng trưởng rất tốt. Đây sẽ là tâm điểm của thị trường quản lý gia sản thời gian tới.
“Theo tôi, từ nay đến năm 2027, phân khúc nhà đầu tư này sẽ chiếm hơn 50% khách hàng thị trường quản lý gia sản Việt Nam”, ông Tuấn nhận định.
Còn theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nhà đầu tư cá nhân có tài sản từ 50 triệu đồng đã có thể tìm tới đơn vị tư vấn quản lý gia sản. Đây là cách tốt nhất để tăng trưởng và bảo toàn vốn đầu tư của mình. Tất nhiên, các đơn vị quản lý tài sản thích khách hàng có tổng tài sản lớn, vì đồng nghĩa với phí cao, nhưng muốn thị trường phát triển lớn mạnh thì đơn vị tư vấn phải “nuôi” từ các khách hàng nhỏ, tiềm năng.
“Hiện tỷ lệ nhà đầu tư Việt Nam tham gia đầu tư tài chính mới chiếm 7-8% dân số, trong khi nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới, tỷ lệ này lên tới 40-80%. Tốc độ tăng tài sản tích sản của Việt Nam cũng vào nhóm cao nhất thế giới, cho thấy cơ hội đầu tư rất lớn. Nếu chúng ta có được nền tảng pháp lý tốt và xây dựng được những định chế đủ mạnh, thì thị trường quản lý gia sản của Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt”, ông Nghĩa chia sẻ.
Ngoài ra, để thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng, các chuyên gia cho rằng, cần có chính sách khuyến khích các quỹ mở phát triển, đồng thời với tháo gỡ vướng mắc về chính sách để khuyến khích nhà đầu tư cá nhân tham gia quỹ mở. Đơn cử, mô hình chứng chỉ quỹ về bất động sản rất phù hợp ở Việt Nam để khai thông nguồn lực đầu tư vào bất động sản, song nhà đầu tư đang e ngại về vấn đề pháp lý.