Doanh nghiệp
Quản lý vốn nhà nước tập trung: Bắt kịp thông lệ quản trị hiện đại
Phong Lan - 28/09/2018 15:00
Theo kế hoạch, ngày 30/9, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. Tách bạch chức năng quản lý vốn và quản lý hành chính được đánh giá là thông lệ quản trị hiện đại trên thế giới, song để mô hình này phát huy hiệu quả, sẽ cần nhiều nỗ lực, khả năng hành động quyết liệt với tư duy liên tục đổi mới.

Cần sự chuyển mình 

Không phải đến thời điểm này, hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới được quan tâm và chờ đợi, mà quá trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước được thực hiện 20 năm nay đặt ra nhiều thách thức và đòi hỏi sự chuyển mình, trong đó có nhu cầu cấp thiết về việc tách bạch chức năng quản lý vốn nhà nước và quản lý hành chính, hạn chế tình trạng các cơ quan nhà nước “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, can thiệp quá sâu vào hoạt động doanh nghiệp.

Quản lý hơn 2 triệu tỷ đồng giá trị tài sản của 19 tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp; tuân thủ các quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính về chế độ quản lý tài chính doanh nghiệp, cơ chế giám sát về tài chính đối với các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu. 

Đây là những nhiệm vụ mang tính “kỹ trị” - nói như ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đòi hỏi khả năng chuyên môn, hiểu biết sâu về các lĩnh vực, ngành nghề, đồng thời lại có tính bao quát, nắm bắt được các xu hướng hiện đại trong khu vực và trên thế giới, năng lực quản trị chuyên nghiệp và cả chuyên biệt…

Theo Dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cơ quan này gồm 9 đơn vị trực thuộc, trong đó có 4 đơn vị thực hiện chức năng tham mưu quản lý doanh nghiệp chia theo ngành, lĩnh vực như năng lượng, nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ, hạ tầng và các đơn vị tham mưu, hỗ trợ.

Trên thế giới, quản trị vốn đã trở thành một nghề chuyên nghiệp, còn tại Việt Nam, với mô hình quản trị vốn tập trung của Ủy ban, giới chuyên gia cho rằng, sẽ có những bước tiến trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển và kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, cũng như những đầu việc quan trọng của bất cứ doanh nghiệp nào như huy động vốn, đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản... Đây là những công việc khác hoàn toàn với chức năng quản lý hành chính nhà nước mà các bộ, ngành đang thực hiện.

Ủy ban cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện hoạt động quản trị của các doanh nghiệp nhà nước, góp phần gia tăng hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp này. Đây chính là chìa khóa cho việc khơi thông, tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Theo tính toán của chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nếu nâng được lợi nhuận của khu vực doanh nghiệp nhà nước thêm 0,5%, thì có thể tăng được 1% GDP. 

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, xác định công việc cần triển khai ngay sau khi Ủy ban đi vào hoạt động chính thức là hết sức lớn và nặng nề, do vậy, Ủy ban đã chủ động đề ra kế hoạch hoạt động giai đoạn 2018 - 2020 để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đại diện sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, Ủy ban sẽ tập trung vào những đầu việc như chỉ đạo triển khai kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng, đầu tư cho đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, dịch vụ nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững…

Chuyển giao hiệu quả

Cho đến thời điểm này, một khối lượng lớn công việc đã được hoàn tất để chuẩn bị cho Ủy ban sẵn sàng đi vào hoạt động. Ủy ban được tổ chức tinh gọn, triển khai công việc trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại. Đây cũng là nét mới trong công tác quản lý vốn nhà nước, theo đó, Ủy ban sẽ xây dựng Bộ chỉ số để giám sát, đánh giá thực trạng doanh nghiệp thường xuyên, bao gồm các chỉ số chung và chỉ số riêng theo ngành, lĩnh vực, có xem xét với tương quan ngành trong toàn thị trường.

Cùng với ban hành Nghị định quy định về chức năng, hoạt động của Ủy ban, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành quy định về trình tự, thủ tục và trách nhiệm chuyển giao, tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. 

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, để đảm bảo tiến độ chuyển giao, cần thống nhất nhận thức về lợi ích của việc chuyển giao đối với tổng thể nền kinh tế, không phải vì quyền quản lý doanh nghiệp của bộ, địa phương hay của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Các bên chuyển giao và nhận chuyển giao cần tích cực và nỗ lực trong việc chuyển giao doanh nghiệp, thực hiện đúng tiến độ chuyển giao theo kế hoạch và chỉ đạo của Chính phủ.

Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tin tưởng, việc thay đổi cơ quan thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại EVN sẽ cơ bản không làm thay đổi và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của EVN. Song ông Thành cũng đề xuất, bên cạnh mục tiêu hiệu quả kinh tế trong việc sử dụng vốn nhà nước khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban, mục tiêu thực hiện định hướng, điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô mang tính chiến lược trong từng thời kỳ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của doanh nghiệp nhà nước cần được nghiên cứu, xem xét để đảm bảo khi chuyển giao không bị ảnh hưởng. 

Đồng thời, để tạo thuận lợi cho hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sau khi Ủy ban được thành lập, EVN cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành hướng dẫn nhằm quy định rõ mối quan hệ giữa Ủy ban và các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước; đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng của các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao về Ủy ban không bị ảnh hưởng, tránh tình trạng chồng chéo, tăng tính hiệu quả trong công tác quản lý doanh nghiệp.

Tin liên quan
Tin khác