Từ không đến có
Những người làm công tác đầu tư tại Quảng Bình vẫn còn nhớ, 10 năm trước, năm 2009, tỉnh chỉ thu hút được 2 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với vỏn vẹn gần 8 triệu USD vốn đăng ký. Đó là thời điểm mà, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam bắt đầu bùng nổ với lượng vốn đăng ký lên tới 21 tỷ USD. Nhiều tỉnh thành trong nước đã thu hút được hàng tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, và từ động lực quan trọng này, đã được đứng vào hàng ngũ “Câu lạc bộ ngàn tỷ”, tức những tỉnh thành có số nộp ngân sách trên 1.000 tỷ đồng.
Nhắc lại câu chuyện này để thấy được, những nỗ lực của Quảng Bình trong một thập kỷ qua để cải thiện môi trường đầu tư, kéo các nhà đầu tư về với tỉnh là rất đáng ghi nhận. Quảng Bình giờ đây không chỉ được biết đến là một tỉnh “có Phong Nha – Kẻ Bàng” mà còn là “mảnh đất vàng” trong mắt của các nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Quảng Bình - điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư. |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 23 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 783,512 triệu USD. Trong 9 tháng năm 2019, các dự án đầu tư của doanh nghiệp FDI thực hiện giải ngân khoảng 13,8 triệu USD (quý III giải ngân 1,4 triệu USD), lũy kế giải ngân từ đầu dự án đến nay khoảng 549,75 triệu USD.
Qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, đã có một số nhà đầu tư FDI quan tâm và tiến hành khảo sát đề xuất dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, mới đây nhất, Tập đoàn Southeast Asia Capital (Mỹ) cho biết đang xem xét, đề xuất đầu tư Cụm cảng tổng hợp Hòn La, gồm các hạng mục: Kho xăng dầu 500 ngàn tấn; hàng hóa khác khoảng 5 triệu tấn/năm; bến chuyên dụng nhập xăng dầu: 120 ngàn DWT; bến chuyên dụng xuất xăng dầu: 30 ngàn DWT; bến tổng hợp công suất 5 triệu tấn/năm tại Khu kinh tế Hòn La với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 249 triệu USD.
Cuối năm 2018, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Quảng Bình, tỉnh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư cho 66 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 7 tỷ USD. Trong đó, Tập đoàn FLC là doanh nghiệp cam kết đầu tư nhiều nhất với số vốn khoảng 63.000 tỷ đồng, với 9 dự án được trao Giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đầu tư gần 16.000 tỷ đồng; 2 dự án được trao Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, tổng mức đầu tư là 47.000 tỷ đồng.
Ngoài FLC, Quảng Bình hiện đã và đang thu hút hàng loạt dự án đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực du lịch đã được triển khai tại Quảng Bình, như dự án Trung tâm thương mại Vincom tại thành phố Đồng Hới của Tập đoàn Vingroup có tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng vừa đưa vào sử dụng, tạo ra điểm nhấn về kiến trúc cho thành phố bên bờ sông Nhật Lệ. Hay tại bán đảo Bảo Ninh, ngoài sự có mặt của Sun Spa Resort - khu nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên tại Quảng Bình, Tập đoàn Trường Thịnh tiếp tục triển khai dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng sinh thái và sân golf Sunrise Bảo Ninh với tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng.
Sông Nhật Lệ là nơi có thể xây dựng các khu du lịch sinh thái. |
Ưu tiên cho ngoại giao kinh tế
Lãnh đạo Quảng Bình đã không còn ngồi đợi nhà đầu tư. Những hoạt động xúc tiến đầu tư đã và đang được triển khai thường xuyên, liên tục trong thời gian gần đây.
Mới đây nhất, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình vừa có buổi làm việc với đại diện các nhà đầu tư là Công ty QLKD BĐS Fortishome, Công ty BHG và đại diện Tập đoàn Siemens (CHLB Đức) về cơ hội đầu tư vào tỉnh Quảng Bình.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Bình từ phía Công ty QLKD BĐS Fortishome, Công ty BHG và đại diện Tập đoàn Siemens.
Ông Quang kỳ vọng, sau khi khảo sát thực địa, xem xét thực tiễn, đoàn sẽ lựa chọn được địa điểm thích hợp để triển khai thực hiện Dự án Trung tâm mua sắm thành phố Đồng Hới với tên gọi Trung tâm thương mại thông minh STC, nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm của du khách, người dân trên địa bàn như thỏa thuận tại Biên bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết trong tháng 9 vừa qua tại CHLB Đức; đồng thời hỗ trợ tỉnh trong việc cung cấp thiết bị y tế, giáo dục, sản xuất thiết bị điện tử...
Trước đó, trong khuôn khổ các hoạt động xúc tiến đầu tư tại châu Âu của đoàn công tác tỉnh Quảng Bình diễn ra trong tháng 9 vừa qua, Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Đăng Quang cũng đã đến thăm và làm việc tại trụ sở Công ty TNHH Fortis Home GmbH ở Đức.
Tại buổi làm việc này, Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Đăng Quang và các thành viên trong đoàn công tác đã chứng kiến lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa UBND tỉnh Quảng Bình và Công ty TNHH Fortis Home GmbH. Theo đó, Công ty TNHH Fortis Home GmbH sẽ hỗ trợ tỉnh Quảng Bình kêu gọi các nhà đầu tư tìm hiểu, khảo sát và thực hiện Dự án Trung tâm mua sắm thành phố Đồng Hới, với tên gọi "Trung tâm thương mại thông minh STC", với diện tích sàn khoảng 30.000 m2 và hỗ trợ tỉnh Quảng Bình trong việc thực hiện các cơ hội kinh doanh khác cho Trung tâm mua sắm.
“Ngoại giao kinh tế” là một trong những ưu tiên của Quảng Bình trong gian gần đây. Báo cáo của Sở Kế hoạch và đầu tư Quảng Bình cho hay, trong 9 tháng đầu năm 2019, công tác ngoại giao kinh tế của tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch nước ngoài có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.