Đầu tư
Quảng Nam đốc thúc tiến độ dự án ngàn tỷ
Hoàng Anh - 16/05/2021 08:29
Rà soát từng dự án, thu hồi dự án chủ đầu tư không có đủ năng lực, đốc thúc các dự án còn lại là giải pháp mà Quảng Nam thực hiện để các dự án sớm được triển khai.

Quảng Nam đang thực hiện nhiều giải pháp để các dự án trọng điểm vùng Đông sớm được triển khai.

Thu hồi

Dù đã được thông xe kỹ thuật từ tháng 10/2020, nhưng đến nay, tuyến đường ven biển 129 giai đoạn II (tổng mức đầu tư là 1.479 tỷ đồng) vẫn chưa hoàn thành. Trong buổi kiểm tra mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, ông Phan Việt Cường yêu cầu gấp rút tháo gỡ các vướng mắc, để hoàn thành tuyến đường huyết mạch này.

Với lợi thế về phát triển các dự án du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản và nông nghiệp công nghệ cao, dọc tuyến đường ven biển tỉnh Quảng Nam đã thu hút được rất nhiều dự án lớn đăng ký đầu tư. Song sau nhiều năm, chỉ có các dự án Vinpear Nam Hội An và Khu du lịch Hoiana đi vào hoạt động, những dự án khác đều “nghe tiếng mà chẳng thấy hình”.

Khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh - PPC của Công ty cổ phần Quốc tế Nam Hội An là một trong những dự án được giới thiệu rất khủng, nhưng không có chuyển động trên thực tế. Dự án được “tô vẽ” rằng, sẽ là khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, với vốn đầu tư 4.300 tỷ đồng, đến năm 2021 sẽ hoàn thành toàn bộ. 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, chủ đầu tư Khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh - PPC chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng, phớt lờ nghĩa vụ ký quỹ đảm bảo thực hiện Dự án. Chậm tiến độ hơn 48 tháng, nhưng chủ đầu tư này không nói gì về thủ tục giãn tiến độ. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án theo quy định.

Gỡ vướng từng dự án

Có nhiều lý do khiến nhiều dự án ở vùng Đông Quảng Nam không đảm bảo tiến độ, như khó khăn trong giải phóng mặt bằng, năng lực của nhà đầu tư và cả sự phối hợp không chặt chẽ giữa doanh nghiệp với chính quyền. Ông Lê Trí Thanh đã chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát lại toàn bộ hồ sơ pháp lý liên quan đến các dự án, xác định rõ các tồn tại, vướng mắc, thiếu sót và đề xuất phương án xử lý từng dự án.

Chẳng hạn, Khu nông nghiệp công nghệ cao Đông Quảng Nam của Công ty cổ phần Tập đoàn T&T có vốn đăng ký 3.300 tỷ đồng, thực hiện tại xã Bình Dương (huyện Thăng Bình). Đây là dự án có quy mô lớn, nhà đầu tư có năng lực, nhưng công tác phối hợp giữa nhà đầu tư và chính quyền địa phương không đồng bộ. 

Về dự án này, ông Lê Trí Thanh giao huyện Thăng Bình hướng dẫn, giải quyết các hồ sơ, thủ tục theo thẩm quyền hoặc đề xuất các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh giải quyết các hồ sơ, thủ tục theo đúng quy định để triển khai thực hiện Dự án. Trong đó lưu ý, xác định rõ tính chất của Dự án là đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nên xem xét, loại bỏ diện tích đất rừng (nếu có); hạn chế thu hồi đất, cho thuê đất với Dự án trên nguyên tắc không thu hồi đất nông nghiệp do người dân đang sản xuất, chỉ thu hồi khu vực có dân cư sinh sống phân tán…

Một dự án ngàn tỷ khác mà tỉnh Quảng Nam đôn đốc tiến độ là Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương của Công ty cổ phần Đạt Phương, vốn đăng ký hơn 4.600 tỷ đồng. Đây vốn là một trong các dự án đối ứng công trình cầu Km0+317 trên tuyến đường dẫn phía Bắc cầu Cửa Đại theo hình thức hợp đồng BT, nhưng sau đó, UBND tỉnh đã có công văn thống nhất không đưa dự án vào quỹ đất thanh toán cho Công ty cổ phần Đạt Phương.

Tỉnh Quảng Nam đang làm việc với Công ty cổ phần Đạt Phương để rà soát tình hình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án trên, xem xét, đề xuất giải quyết các tồn tại, vướng mắc về thủ tục lựa chọn nhà đầu tư. Trường hợp cần thiết, điều chỉnh quy mô, phạm vi dự án để sớm triển khai thực hiện, đưa dự án vào sử dụng đối với phần diện tích đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng…

Tin liên quan
Tin khác