Điểm sáng hiếm hoi trong phân khúc nhà ở xã hội tại Quảng Nam là việc hoàn thành giai đoạn I, Dự án khu nhà ở công nhân của Công ty Panko tại TP. Tam Kỳ, với 200 căn. Còn lại, 3 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khác vẫn ỳ ạch tiến độ.
Trong đó, Dự án khu nhà ở thu nhập thấp của Công ty TNHH Bất động sản Châu Âu tại Điện Nam Trung (thị xã Điện Bàn), diện tích khoảng 0,75 ha, gồm nhà ở chung cư và nhà ở liền kề với 469 căn, đang thi công hạ tầng kỹ thuật và chuẩn bị đầu tư các block chung cư. Còn Dự án nhà ở công nhân xã Tam Hiệp của Công ty cổ phần Danatol, diện tích khoảng 1,3 ha, gồm 600 căn chung cư thì vẫn chưa xong thủ tục đầu tư.
Dự án có tiến độ chậm nhất là khu nhà ở thu nhập thấp do Công ty cổ phần Đầu tư nông nghiệp, nông thôn và Dịch vụ thể thao du lịch STO (Công ty STO) làm chủ đầu tư. Dự án này có diện tích khoảng 2,44 ha, xây dựng 6 block chung cư, được phê duyệt đầu tư từ năm 2010, chia làm 3 giai đoạn với thời hạn hoàn thành, đưa vào sử dụng vào tháng 8/2018. Đây là một trong những dự án nhà ở xã hội đầu tiên được tỉnh Quảng Nam chấp thuận đầu tư, với mục tiêu giải quyết nhà ở cho các đối tượng chính sách, công nhân, người có thu nhập thấp. Thế nhưng, đến nay không những chưa hoàn thành, mà dự án này còn vướng nhiều tranh chấp, kiện tụng.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, việc các dự án chậm hoàn thành có nguyên nhân là người dân muốn sở hữu tài sản riêng về đất đai lâu dài. Giá một lô đất ven đô hiện chỉ dưới 1 tỷ đồng, trong khi một căn hộ nhà ở xã hội tại trung tâm có giá khoảng 500-600 triệu đồng, nên người dân thường không chọn mua nhà ở xã hội mà muốn sở hữu đất nền. Ngoài ra, nhà đầu tư thường quan tâm đến dự án nhà ở thương mại, ít quan tâm loại hình nhà ở xã hội vì lợi nhuận thấp, nhiều vướng mắc trong tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư… Những nguyên nhân đó khiến việc xây dựng nhà ở xã hội tại Quảng Nam không như kỳ vọng.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt danh mục 4 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn thị xã Điện Bàn, với quy mô 29,4 ha, gồm Khu dân cư thu nhập thấp khu 2, 3, 5 tại phường Điện Nam Trung. Khu dân cư thu nhập thấp khu 4 tại phường Điện Nam Trung và Điện Nam Đông. Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị triển khai Dự án Khu nhà ở xã hội trong Khu kinh tế mở Chu Lai, diện tích khoảng 0,88 ha.
Ông Nguyễn Xuân Hà, Phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn chia sẻ, việc triển khai những dự án này gặp không ít khó khăn về giải phóng mặt bằng (GPMB), đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đồng bộ quy hoạch…
“Sau khi có chủ trương bàn giao về thị xã Điện Bàn thì các khu nhà ở thu nhập thấp trên vẫn chưa hoàn thành công tác GPMB, đầu tư dang dở trên các phần diện tích được giao. Ngoài ra, vẫn còn vướng mắc liên quan nên chưa bàn giao dứt điểm các dự án trên”, ông Hà cho biết.
Rà soát các quy định pháp luật, UBND thị xã Điện Bàn nhận thấy, dự án nhà ở xã hội tại Khu 2, 3, 4, 5 tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc sẽ lựa chọn chủ đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu. Tuy nhiên, trước khi thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, cần thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Theo quy định, UBND thị xã Điện Bàn chỉ làm bên mời thầu đối với dự án dưới 10 ha trong đô thị, nên thị xã chỉ làm các thủ tục mời thầu đối với các khu 2, 3, 5. Riêng khu 4 thì đơn vị làm bên mời thầu là Sở Xây dựng Quảng Nam.
Được biết, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội của Chính phủ. Trong kế hoạch này, UBND tỉnh giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương, cũng như đưa ra các giải pháp hiệu quả để triển khai thực hiện Đề án.
Theo đó, từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ rà soát, lựa chọn danh mục các quỹ đất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập tại vị trí thuận lợi, có thể triển khai ngay hồ sơ, thủ tục, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án. Đối với các quỹ đất dành để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại đã giải phóng mặt bằng và đã đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật, chủ đầu tư đã bàn giao lại cho địa phương quản lý thì tỉnh sẽ triển khai ngay việc lập, phê duyệt danh mục dự án phát triển nhà ở; thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.
Trong giai đoạn 2026-2030, tỉnh Quảng Nam phấn đấu hoàn thành mục tiêu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đảm bảo đủ 19.600 căn.