Ông Đặng Phong, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam. |
Quy tụ “phượng hoàng”
Chạy dọc tuyến đường ven biển từ cầu Cửa Đại (Hội An) đến thành phố Tam Kỳ, chắc hẳn nhiều người xa quê lâu ngày sẽ không còn nhận ra bóng dáng quen thuộc của những triền cát trải dài, hàng phi lao hay xóm chài nhỏ nữa. Thay vào đó, vùng Đông Quảng Nam giờ đã trở thành “thánh địa” của các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, của những dự án tỷ USD.
Sở hữu một bãi biển đẹp thơ mộng, lại nằm gần hai di sản là đô thị cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn, vùng Đông Quảng Nam đã thật sự chuyển mình trong vài năm trở lại đây. Dự án Vinpearl Nam Hội An đi vào hoạt động giữa năm 2018 đã thu hút hàng chục ngàn du khách; Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An của VinaCapital đang gấp rút xây dựng và dự kiến đưa vào hoạt động giữa năm nay.
Vinpearl hay VinaCapital chỉ là hai trong rất nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã đầu tư vào Quảng Nam. Mới đây, Tập đoàn T&T đã được tỉnh này cấp quyết định chấp thuận đầu tư Khu nông nghiệp công nghệ cao Đông Quảng Nam (tại huyện Thăng Bình), với tổng vốn đầu tư 3.300 tỷ đồng.
Trong năm 2018, Quảng Nam đã cấp chủ trương đầu tư cho Dự án Thành phố giáo dục quốc tế Nam Hội An của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng, với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng; Khu du lịch cổng trời Đông Giang của Công ty cổ phần Du lịch sinh thái Hang Gợp, tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Ngoài ra, một số dự án lớn đang nộp hồ sơ xin cấp quyết định chủ trương trương đầu tư, như Khu phức hợp đô thị, dịch vụ thương mại, du lịch và làng nghề Điện Dương với vốn đăng ký lên đến hơn 31.000 tỷ đồng…
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Quảng Nam trong năm 2018 cũng rất đáng kể, với 28 dự án cấp mới, tổng vốn đầu tư 325 triệu USD. Một số dự án FDI tiêu biểu tại Quảng Nam trong năm 2018 có thể kể đến như Nhà máy sản xuất vải mành của Công ty Hyosung (Hàn Quốc), tổng vốn đầu tư 210 triệu USD; Nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô CTR Vina, tổng vốn đầu tư 27,2 triệu USD. Đặc biệt, Quảng Nam và Công ty Hyosung đã ký thỏa thuận chủ trương đầu tư Cụm công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tổng vốn dự kiến 1,34 tỷ USD.
Đánh giá về môi trường đầu tư tại Quảng Nam, ông Hiroyuki Ishii, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng cho rằng, vùng đất Quảng Nam sở hữu nhiều lợi thế và tiềm năng, vì vậy, doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại đây. Hiện có 10 thành viên của Hiệp hội làm việc tại tỉnh Quảng Nam và ông kỳ vọng, con số này sẽ tăng nữa trong tương lai.
Trên thực tế, không riêng Nhật Bản, các công ty của Hàn Quốc, châu Âu… cũng đang nghiên cứu đầu tư vào Quảng Nam.
Không chỉ là tiềm năng
Quảng Nam là địa phương duy nhất của Việt Nam có 2 di sản văn hóa thế giới, tạo cơ hội lớn cho phát triển du lịch. Bên cạnh đó, Quảng Nam còn có Khu kinh tế mở Chu Lai phát triển năng động, có sân bay, cảng nước sâu và cả những cánh rừng dược liệu quý hiếm bậc nhất Việt Nam. Vì vậy, thật dễ hiểu khi các công ty tìm đến với Quảng Nam để đầu tư. Tuy nhiên, những lợi thế và tiềm năng đó chỉ là yếu tố cần. Yếu tố đủ để mang lại kết quả trong công tác thu hút đầu tư của Quảng Nam là cách làm, cách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh.
Ông Đặng Phong, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc thu hút được những tập đoàn lớn, làm ăn hiệu quả đã tạo động lực phát triển cho tỉnh, nâng cao đời sống của người dân. “Khi có nhiều dự án được triển khai ở vùng Đông Quảng Nam, thì lượng tiền mà người dân gửi vào ngân hàng tăng mạnh. Điều đó cho thấy, cuộc sống người dân tăng lên đáng kể. Xác định thu hút đầu tư là công tác quan trọng, tỉnh thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, tập trung cải cách thủ tục hành chính và chuẩn bị mặt bằng sạch cho nhà đầu tư... Đó chính là những lý do dẫn đến thành công trong thu hút đầu tư của tỉnh”, ông Phong chia sẻ.
Với những thành công trong thu hút “phượng hoàng” về làm tổ, kinh tế của tỉnh Quảng Nam không ngừng tăng trưởng. Trong năm 2018, GRDP đạt 68.100 tỷ đồng, tăng 8,11% so với năm 2017. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, khu vực nông - lâm - thủy sản chỉ còn chiếm 12%; khu vực công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ chiếm 88%, trong đó, công nghiệp - xây dựng chiếm 36,8%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt hơn 23.700 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa hơn 19.131 tỷ đồng, thu từ xuất nhập khẩu hơn 4.405 tỷ đồng. Đó là những con số ấn tượng mà nhiều địa phương khác phải mơ ước.
Để có được thành quả đó, Quảng Nam rất chú trọng thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá, gồm: xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực và cải thiện môi trường đầu tư. Hạ tầng giao thông Quảng Nam ngày càng hoàn thiện, nhiều tuyến giao thông quan trọng hoàn thành và đưa vào sử dụng đã mở rộng cánh cửa phát triển; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được đầu tư.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh rất quyết liệt thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn. Trong Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 3 năm gần đây, Quảng Nam đều nằm trong Top 10. Vì vậy, thật dễ hiểu khi Quảng Nam trở thành địa phương rất thành công trong thu hút đầu tư.
Dự kiến trong những năm tới, Quảng Nam tiếp tục là địa chỉ tìm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 là khu thương mại đa ngành, đa lĩnh vực; việc mở rộng Sân bay Chu Lai và nâng cấp cảng Chu Lai đang được xúc tiến mạnh mẽ... đang tạo thêm động lực cho sự phát triển của Quảng Nam trong tương lai.
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, với sự gia tăng mạnh mẽ của các dự án đầu tư, chính quyền tỉnh sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực, đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện tốt hơn nữa môi trường đầu tư của tỉnh. “Chúng tôi cam kết tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho nhà đầu tư”, ông Thu nhấn mạnh.