Sau khi ban hành một loạt quyết định nhằm chấm dứt thực hiện các ưu đãi đầu tư do UBND tỉnh cấp cho hàng loạt dự án trước ngày 31/12/2005 là trái hay vượt quy định của Chính phủ vào cuối tháng 10/2016, đầu tháng 11/2016, Quảng Nam lại tiếp tục có động thái tương tự.
Lần này, nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng đã nằm trong “tầm ngắm” của Quảng Nam. Đó là các dự án Khu nghỉ mát du lịch sinh thái biển và Dịch vụ vui chơi, giải trí trên biển (Khu nghỉ mát Cát Vàng) của Công ty cổ phần Thương mại và Tư vấn DBC; Khu du lịch sinh thái biển Phước Thịnh của Công ty TNHH Phước Thịnh; Dự án của Công ty TNHH Indochina Resort Recidenses (Hội An)…
Ngoài ra, còn các dự án Khu vui chơi giải trí Công viên Cồn Thị của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Bạch Vân; Khu du lịch sinh thái biển Hà My (Kim Vinh Resort) của Công ty TNHH Dịch vụ du lịch - Xây dựng dân dụng - Trang trí nội thất và Thương mại Kim Vinh.
Xưởng đóng tàu thuyền của doanh nghiệp tư nhân Hà Tiên Khôi cũng nằm trong danh sách này.
Các dự án này sẽ chính thức bị chấm dứt việc thực hiện các ưu đãi đầu tư vượt khung kể từ ngày 1/6/2016.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, và cũng như Báo Đầu tư đã đưa tin, Quảng Nam buộc phải thực hiện việc này là để thực hiện Quyết định số 1387/QĐ-TTg ngày 29/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 306-CV/TU ngày 14/3/2016 của Tỉnh ủy Quảng Nam…
Năm 2005, trước tình trạng nhiều địa phương ban hành các ưu đãi vượt khung cho các dự án đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1387/QĐ-TTg về xử lý các quy định về ưu đãi, khuyến khích đầu tư trái luật do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành.
Theo đó, một trong những nội dung quan trọng, đó là Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương đình chỉ hiệu lực thi hành các quy định về ưu đãi, khuyến khích đầu tư trái pháp luật do UBND 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành (có danh mục kèm theo), kể từ ngày 1/1/2006, trừ một số trường hợp.
Thông tin sau đó cho biết, nhiều địa phương đã không thực hiện nghiêm túc Quyết định 1387/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Riêng Quảng Nam tuy đã quyết định dừng thực hiện các ưu đãi vượt khung kể từ năm 2006 song vẫn rất khó khăn trong xử lý các ưu đãi vượt khung đã cấp cho các dự án được cấp phép trước năm 2005.
Năm 2009, Quảng Nam cũng đã từng có văn bản kiến nghị Chính phủ cho phép tỉnh được thực hiện ưu đãi vượt khung đối với những dự án đã được cấp giấy phép đầu tư…, để hỗ trợ cho tỉnh Quảng Nam “giữ uy tín với các nhà đầu tư”.
Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, thì riêng khoản nợ thuế ưu đãi vượt khung của các doanh nghiệp này lên tới 71,781 tỷ đồng. Đây là khoản nợ lưu cữu nhiều năm và đã trở thành mối quan tâm của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam. Do vậy, không chỉ UBND tỉnh, HĐND tỉnh mà cơ quan thuế đều mong muốn có ngay cơ chế xử lý ưu đãi vượt trội.
Hồi tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã phát đi công văn thông báo cho doanh nghiệp liên quan và cơ quan thuế theo dõi, không thu các khoản tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp được hưởng ưu đãi vượt quy định của Chính phủ; không tính khoản tiền nộp phạt phát sinh và các nghĩa vụ khác đối với đơn vị đã được cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư kể từ ngày 1/6/2016 trở về trước.
Có lẽ nhờ vậy mà lần này, tỉnh Quảng Nam đã dứt điểm được việc xử lý các ưu đãi đầu tư vượt khung.