Điểm nóng
Quảng Ngãi: Dân cố thủ trong nhà công sản sắp sập đổ
Nhiệt Băng - 17/11/2022 08:55
Nhiều ngôi nhà công sản ở Quảng Ngãi hết khả năng chịu lực, có thể sập đổ bất cứ lúc nào, nhưng các hộ gia đình, cá nhân vẫn cố bám trụ để ở.
Cơ sở nhà đất tại số 626, đường Nguyễn Văn Linh, TP. Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) là công sản trở thành nơi kinh doanh.

Nhất quyết không di dời

Ngôi nhà số 427 - 429 Hùng Vương, TP. Quảng Ngãi được xây dựng từ trước năm 1975. Sau năm 1975, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi mua ngôi nhà này từ nguồn ngân sách nhà nước để làm khoa điều trị cán bộ trung cao.

Sau khi khoa này chuyển vào trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thì ngôi nhà số 427 - 429 Hùng Vương được Bệnh viện bố trí sử dụng tầng trệt làm nhà trẻ dành cho con em của cán bộ, nhân viên Bệnh viện.

Một số phòng ở tầng 2 và 3 bố trí cho các cán bộ lãnh đạo ở. Hiện nay, ngôi nhà này do Sở Y tế Quảng Ngãi quản lý và bố trí sử dụng cho các hộ gia đình. Theo Sở Xây dựng, hiện còn 8 hộ gia đình đang ở và 2 người đang kinh doanh buôn bán tại tầng 1.

Sở Xây dựng cho rằng, ngôi nhà thuộc diện nhà công sản, không phải là nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định tại Điều 80, Luật Nhà ở năm 2014.

Bên cạnh đó, tại Điều 48, Luật Nhà ở năm 2014 cũng chỉ quy định các trường hợp thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước và tại Điều 45, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 quy định về trình tự, thủ tục thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Điều 46, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 cũng quy định về trình tự, thủ tục cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước được áp dụng cho các trường hợp bị thu hồi nhà ở theo quy định tại Điều 80, Luật Nhà ở. Do đó, không áp dụng quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 99/2015-NĐ-CP ngày 20/10/2015 để xử lý đối với ngôi nhà này.

Điều đáng lo ngại là chất lượng của ngôi nhà này, theo đánh giá của Sở Xây dựng, chỉ còn 22,7%. Tại Công văn số 474/SXD-CCGĐ ngày 24/3/2021, Sở Xây dựng kết luận: “Khả năng chịu lực của kết cấu ngôi nhà không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể”. Vì thế, Sở Xây dựng cho rằng, ngôi nhà này phải bị phá dỡ theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Xây dựng và Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021.

Theo Báo cáo số 2381/BC-SYT ngày 4/10/2022 của Sở Y tế và Báo cáo số 1416/BC-BVĐK ngày 25/8/2022 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi thì: “Qua nhiều lần phối hợp với UBND phường Trần Phú đến trực tiếp vận động, thuyết phục người dân tại ngôi nhà này phải khẩn trương di dời vì không còn đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng (ngôi nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào). Tuy nhiên, hiện vẫn còn 8 hộ gia đình đang ở và 2 cá nhân đang kinh doanh buôn bán không chấp hành và nhất quyết không chịu di dời với nhiều lý do như về hưu lâu năm, không có khả năng kinh tế để tìm nơi cư trú mới”.

Sở Xây dựng cho rằng, mức độ nguy hiểm của ngôi nhà 427-429 Hùng Vương được đánh giá là nguy hiểm cấp D (chất lượng còn lại nhỏ hơn 40% được xác định kết cấu mất khả năng chống đỡ, cần sửa chữa hoặc phá bỏ).

Không thể bán chỉ định cho hộ liền kề

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, nhà đất thuộc sở hữu nhà nước được giao cho tổ chức, cá nhân thuê, sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ, làm trụ sở làm việc và mục đích khác không phải để ở trên địa bàn Quảng Ngãi hiện do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý có 17 ngôi nhà.

Các ngôi nhà này trước đây được Nhà nước quản lý, thuộc nhiều diện khác nhau như nhà thuộc diện 2/4 (nhà của sĩ quan, công chức chế độ cũ, di tản năm 1975), nhà vắng chủ, nhà người Hoa đã di tản ra nước ngoài… Các ngôi nhà này được quản lý làm trụ sở làm việc và kinh doanh buôn bán. Sau khi quỹ nhà được chuyển giao cho đơn vị quản lý vận hành nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thì cơ quan quản lý vận hành có ký hợp đồng cho thuê nhà với các doanh nghiệp.

Nhà được quản lý, bố trí và phân phối nhà đất cho các cơ quan, đơn vị thuộc doanh nghiệp nhà nước từ năm 1975 và được chuyển giao qua nhiều đơn vị. Quá trình quản lý, sử dụng, nhiều đơn vị tự ý cho cán bộ, nhân viên của đơn vị mình kinh doanh, buôn bán. Sở Xây dựng cho biết, đến thời điểm hiện nay hồ sơ quản lý, bố trí sử dụng một số ngôi nhà không còn, một số ngôi nhà thì các cá nhân đang kinh doanh, buôn bán, chưa chịu trả lại cho Nhà nước.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công tác quản lý nhà thuộc sở hữu nhà nước trước đây không tập trung ở một đầu mối, mà phân tán quản lý theo ngành, địa phương. Việc phân cấp quản lý nhà chưa rõ ràng, chuyển giao qua nhiều đơn vị (5 lần chuyển giao quỹ nhà), việc sao lục hồ sơ nhà, đất rất khó khăn, dẫn đến chưa xác minh được nguồn gốc nhà, đất. Đối với nhóm nhà này, Sở Xây dựng và Tổ công tác liên ngành giải quyết vướng mắc nhà thuộc sở hữu nhà nước đề xuất UBND tỉnh thu hồi để bán đấu giá và quản lý theo quy định.

Cũng theo Sở Xây dựng, nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 36 ngôi nhà. Nhóm nhà này trước đây được Nhà nước quản lý, bố trí sử dụng để ở thuộc nhiều diện khác nhau như quản lý thuộc diện 2/4, nhà vắng chủ, nhà người Hoa… Các ngôi nhà này đang cho những hộ gia đình, cá nhân thuê để ở. Sở Xây dựng cho rằng, nhóm nhà này tiếp tục quản lý, cho thuê và bán cho hộ đang thuê đối với các ngôi nhà đủ điều kiện bán.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã cảnh báo tỉnh Quảng Ngãi khi xử lý nhóm nhà bán cho hộ liền kề phải tuân thủ quy định của pháp luật. Theo ý kiến của Bộ Xây dựng, 5 ngôi nhà thuộc nhóm này không thể bán cho các hộ liền kề (bán chỉ định) nhằm chỉnh trang đô thị theo phương án xử lý nhà thuộc sở hữu nhà nước, được UBND tỉnh thống nhất ngày 14/11/2016.

Sở Xây dựng cho rằng, các ngôi nhà này không phải là nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước quy định tại Điều 80, Luật Nhà ở, nên không thể bán nhà ở cũ cho người đang thuê theo quy định tại Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ. Do đó, những ngôi nhà này phải thực hiện bán đấu giá theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, việc xử lý nhóm nhà đang cho thuê (đợt 2) gồm 19 ngôi nhà và 2 khu tập thể (Khu tập thể cơ khí An Ngãi và Công ty Mỹ nghệ xuất khẩu) cũng khiến các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi rối như gà mắc tóc.

Sở Xây dựng cho biết, hiện hồ sơ quản lý sao lục tại Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh Quảng Ngãi không đầy đủ, có nhiều hồ sơ, văn bản quản lý và bố trí sử dụng không có, nên cần rất nhiều thời gian để phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan và người sử dụng nhà ở để rà soát, sao lục hồ sơ quản lý, làm căn cứ pháp lý xác định có được mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hay không.

Tin liên quan
Tin khác