Không chỉ vốn FDI, luồng vốn đầu tư trong nước vào Quảng Ngãi cũng tạo dấu ấn với 35 dự án được cấp mới trong năm 2016, đưa tổng số dự án trong nước còn hiệu lực đến thời điểm hiện tại lên con số 331 dự án, với tổng vốn đầu tư gần 155.000 tỷ đồng. Đây là thành quả ngọt ngào với một địa phương như Quảng Ngãi.
Bước tiến dài vững chắc
20 năm trước, khó có ai tin rằng, trên vùng cát trắng rộng mênh mông, bạt ngàn cây dại, nơi có thời tiết khắc nghiệt, hoạt động sản xuất, mưu sinh của người dân vô cùng khó khăn, chật vật ấy lại hình thành nên Khu kinh tế Dung Quất - khu kinh tế ven biển đầu tiên với những bước tiến dài an toàn, vững chắc về môi trường đầu tư và hiệu quả kinh tế.
Đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang là “quân cờ” chiến lược trong thu hút đầu tư của địa phương này trong giai đoạn tiếp theo để phát triển mũi nhọn du lịch. Ảnh: Hà Minh |
Ngay từ khi thành lập, đây đã là mô hình khu kinh tế đầu tiên trực thuộc Chính phủ quản lý. Vì vậy, bên cạnh những cơ chế ưu đãi vượt trội áp dụng cho Khu kinh tế Dung Quất, lĩnh vực đầu tư chiến lược cũng đã được Trung ương và địa phương tính toán khoa học, đẩy mạnh triển khai quyết liệt, nhất là đầu tư dự án “hạt nhân” và xây dựng hạ tầng bài bản.
Đó là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - nhà máy số 1 ở Việt Nam được đầu tư xây dựng với quy mô hiện đại bậc nhất Đông Nam Á. Đây là cú hích phát triển kinh tế Quảng Ngãi, là hình mẫu công nghiệp cho một miền Trung từ trước đến nay vốn chỉ chăm bẵm ruộng vườn, ra khơi với tàu cá. Việc xây dựng nhà máy lọc dầu ở Quảng Ngãi còn khiến chính những nước có ngành công nghiệp hóa dầu phát triển ngưỡng mộ, ngạc nhiên và thán phục.
Trong tương lai, theo quy hoạch, cùng với việc nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất từ 6,5 triệu tấn/năm lên 8,5 triệu tấn/năm, vốn đầu tư hơn 1,8 tỷ USD, một loạt nhà máy điện khí sẽ “mọc” lên tại Dung Quất, thực sự đưa khu đô thị công nghiệp này thành trung tâm lọc hóa dầu và điện khí quốc gia. Hiện tại, việc xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã kéo theo sự xuất hiện các nhà máy sau hóa dầu và nhiều ngành công nghiệp phụ trợ khác đang manh nha chờ cơ hội vươn vai đứng dậy để sẵn sàng trở thành người khổng lồ.
Trong số này có dự án thiết bị công nghiệp nặng của Công ty Doosan Vina, vốn đầu tư ban đầu 300 triệu USD, hiện đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Với sự xuất hiện của Doosan Vina, những thiết bị lò hơi, thu hồi nhiệt, lọc nước biển thành nước ngọt phục vụ sinh hoạt từ Khu kinh tế Dung Quất đã có tầm phủ sóng mạnh trong nước, châu Âu, châu Phi và các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất...
Một loạt dự án liên tục xuất hiện tại Quảng Ngãi đã nâng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ và thương mại trong năm 2016 đạt hơn 100.000 tỷ đồng; hàng hóa thông qua các cảng tại Khu kinh tế Dung Quất tăng khoảng 3%, ước đạt 15 triệu tấn.
Ông Nguyễn Đăng Lộc, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Năm 2016, Quảng Ngãi đón hơn 70 lượt nhà đầu tư đến khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư. Trong số này có Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tới nghiên cứu đánh giá tính khả thi của Dự án Tổ hợp Khí điện từ mỏ khí Cá Voi Xanh; Tập đoàn General Electric (Mỹ) với Dự án Thiết kế, sản xuất, phân phối và Sửa chữa lò hơi thu hồi nhiệt. Quảng Ngãi cũng đã làm việc với Tập đoàn Hyosung xúc tiến thu hút đầu tư sản xuất polypropylen từ khí LPG... Động thái trên cho thấy, tiềm năng của Quảng Ngãi vẫn rất dồi dào”.
Cải cách hành chính, cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)
Trên tầm nhìn chiến lược, khi quyết định rót vốn vào dự án, các nhà đầu tư thường bị giới hạn bởi không gian đầu tư. Dự án Khu đô thị - Công nghiệp và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi có lẽ là một trong những hình mẫu về thu hút đầu tư mà Tập đoàn VSIP đem đến, giúp Quảng Ngãi mở rộng hơn nữa không gian cho nhà đầu tư.
Dự án này từng được ông Võ Văn Thưởng khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương) khẳng định là nét chấm phá độc đáo về một khu đô thị hiện đại, lãng mạn, nơi hội tụ của công nghệ cao và chất lượng cuộc sống hoàn hảo.
Không dễ để có thể níu giữ nhà đầu tư Singapore dừng chân tại mảnh đất khô cằn, sỏi đá. Nhưng Quảng Ngãi vượt qua khó khăn, gian nan ấy, giữ chân Tập đoàn VSIP bằng sự kiên trì, nhiệt tình, cởi mở, chân tình và hơn hết là tiềm năng mà nhà đầu tư thực sự nhìn thấy. Vì vậy, đây có thể xem là thành công lớn trong thập kỷ vừa qua của Quảng Ngãi.
“Cánh cửa VSIP Quảng Ngãi đang rất rộng mở đón nhà đầu tư, dù là nhà đầu tư khó tính nhất. Tại đây, chúng tôi đang áp dụng những chính sách ưu đãi, thông thoáng, nhanh chóng, tiện lợi và rút ngắn tối đa thủ tục đầu tư cho những nhà đầu tư tìm đến”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, ông Lê Viết Chữ khẳng định.
“Cải cách thủ tục hành chính” được xem là kim chỉ nam cho hành động thu hút đầu tư mà tỉnh Quảng Ngãi quyết liệt thực hiện trong năm 2016 và những năm tiếp theo. “Chỉ số PCI giảm bậc liên quan đến đơn vị nào, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm. Quảng Ngãi sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu liên quan đến cải cách thủ tục hành chính và thu hút đầu tư”, ông Lê Viết Chữ nhấn mạnh.
Vẫn theo ông Lê Viết Chữ, Quảng Ngãi đã tiến hành rà soát, điều chỉnh nhiều cơ chế chính sách theo hướng tạo thuận lợi nhất cho người dân, chuyển từ quản lý cứng nhắc sang phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp; chuyển từ nhà nước quản lý mọi mặt, sang kiến tạo và tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển.
Cụ thể hóa chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ thị số 16/CT-UBND của UBND tỉnh, Quảng Ngãi đã yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện các biện pháp nâng cao PCI của địa phương. Ngoài ra, Quảng Ngãi còn tập trung rà soát, loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết; tăng cường phối hợp, rút ngắn tối đa thời gian xử lý hồ sơ, giấy tờ; nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng lực thực thi công vụ. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư.
Những động thái quyết liệt, đồng bộ trên đã đưa môi trường đầu tư tại Quảng Ngãi ngày càng hấp dẫn. Từ một tỉnh nghèo, Quảng Ngãi vươn lên đứng trong danh sách 10 địa phương thu ngân sách cao, có điều tiết cho ngân sách trung ương; có thu nhập bình quân đầu người đạt 52,6 triệu đồng/năm (tương đương gần 2.500 USD/người).
Năm 2017, tình hình kinh tế - xã hội tại Quảng Ngãi sẽ tiếp tục đà tăng trưởng bởi công tác thu hút đầu tư được tỉnh đặt lên hàng đầu, bởi Quảng Ngãi luôn coi trọng chất lượng dự án, ưu tiên thu hút dự án trong các lĩnh vực công nghiệp, logistics, công nghiệp hỗ trợ, hạ tầng đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, Quảng Ngãi còn chú trọng thu hút dự án thuộc lĩnh vực sản xuất tư liệu sản xuất thay thế sản phẩm nhập khẩu, nhằm tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, tạo nền tảng cho phát triển công nghiệp phụ trợ của tỉnh.
“Với chủ trương tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút, mời gọi các dự án đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao Chỉ số PCI, xúc tiến đầu tư các dự án có lợi thế so sánh, năm 2017, Quảng Ngãi sẽ thu hút được nhiều dự án đầu tư hơn nữa”, ông Nguyễn Đăng Lộc hy vọng.