Ông Phạm Như Sô, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong năm 2015, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh là tập trung hỗ trợ nhà đầu tư, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai Dự án Nhiệt điện Dung Quất, quy mô 1.200 MW, vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD.
Lễ công bố vị trí ranh giới xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Semcorp Dung Quất |
Tháng 11/2014, tỉnh Quảng Ngãi đã chính thức công bố ranh giới xây dựng Nhà máy, với tổng diện tích đất dự kiến được cấp cho Dự án khoảng 134 ha. Theo kế hoạch, Quảng Ngãi sẽ bàn giao đất sạch giai đoạn I cho nhà đầu tư vào quý I/2016, còn giai đoạn II vào quý IV/2016 để Sembcorp khởi công Dự án vào năm 2017. Dự kiến, Tổ máy số 1 của Nhà máy sẽ vận hành thương mại vào tháng 9/2020, còn toàn bộ Nhà máy là vào tháng 3/2021.
Thông tin được đưa ra cách đây chưa lâu, để bàn giao được đất sạch cho Sembcorp, Quảng Ngãi sẽ phải di dời khoảng 2.000 hộ dân, đồng thời xây dựng khu tái định cư quy mô lớn cho số hộ dân này. Để thực hiện được việc này, đòi hỏi một nguồn ngân sách không nhỏ, ngoài khả năng cân đối của ngân sách tỉnh.
Chính vì vậy, hồi tháng 9/2014, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ ngân sách Trung ương cho tỉnh thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho Dự án và cho cả việc chuẩn bị mặt bằng cho việc mở rộng Dự án Lọc dầu Dung Quất, hiện đã được nâng công suất lên 8,5 triệu tấn/năm và vốn đầu tư tăng thêm là 1,81 tỷ USD. Khi ấy, Quảng Ngãi đề xuất trước mắt cho tỉnh tạm ứng 1.500 tỷ đồng trong năm 2014 để thực hiện công tác quy hoạch, xây dựng các khu tái định cư.
Trong khi đó, về phía chủ đầu tư, Sembcorp cũng đang tích cực hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, đồng thời phối hợp với phía Việt Nam đàm phán các hợp đồng liên quan, gồm hợp đồng BOT, hợp đồng mua bán điện, hợp đồng thuê đất…
Dự án Nhiệt điện Dung Quất được chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 6/2013 và là một trong những dự án BOT ngành điện được cho là có tiến độ chuẩn bị các thủ tục đầu tư rất nhanh so với nhiều dự án khác.
Điện là một trong những lĩnh vực thời gian qua đã thu hút được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài, với nhiều kế hoạch đầu tư quy mô lớn. Cuối tháng 12 vừa qua, Bộ Công thương và Công ty Janakuasa (Malaysia) cũng đã ký tắt bộ hợp đồng dự án của Dự án BOT Nhiệt điện Duyên Hải 2, làm cơ sở cho chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Dự án Nhiệt điện Duyên Hải 2 được xây dựng tại Trung tâm Điện lực Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh), có công suất 1.200 MW, do Công ty Janakuasa đề xuất đầu tư từ năm 2009. Dự án dự kiến có vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD.
Ngoài dự án mới này, có thể kể đến hàng loạt dự án BOT ngành điện khác đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, như Dự án Nhiệt điện Quảng Trị của EGATI (Thái Lan), vốn dự kiến 2,26 tỷ USD; Nhiệt điện Sông Hậu 2 của Toyo-Ink (Malaysia); Nghi Sơn 2 của Marubeni (Nhật Bản) và KEPCO (Hàn Quốc), vốn đầu tư 2,3 tỷ USD; Nhiệt điện Vân Phong 1, vốn đầu tư 2 tỷ USD, của Sumitomo; Nhiệt điện Sóc Trăng của Tata Power, 1,8 tỷ USD; Nhiệt điện Vũng Áng 3 của Samsung…
Tập đoàn Sembcorp làm dự án 2 tỷ USD tại Quảng Ngãi (baodautu.vn) Lễ trao giấy phép cho Dự án nhà máy nhiệt điện Dung Quất tại tỉnh Quảng Ngãi với tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD cho tập đoàn Sembcorp Utilities Pte Ltd của Singapore đã được tiến hành tại Singapore. |
Nguyên Đức