Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trao Giấy chứng nhận Đầu tư cho các nhà đầu tư |
Những dự án hạ tầng KCN khủng
Mới đây, ngày 18/11, UBND tỉnh Quảng Ninh đã trao Giấy chứng nhận Đầu tư Dự án phát triển tổ hợp cảng biển và KCN tại khu vực Đầm Nhà Mạc (thị xã Quảng Yên) cho 3 nhà đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Quốc tế CDC (Cayman Islands), Công ty TNHH Tiện ích Trung Đông (Singapore) và Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng Á châu Hồng Kông. Dự án này có tổng mức đầu tư lên đến hơn 6.940 tỷ đồng (tương đương hơn 315,4 triệu USD).
Công ty TNHH Tập đoàn quốc tế CDC, nhà đầu tư có tiếng trong việc phát triển và xây dựng tại Qatar và khu vực Trung Đông, góp đến 70% vốn điều lệ. Còn Tập đoàn Rent A Port, một tên tuổi lớn khác trong lĩnh vực khai thác cảng biển thế giới, cũng tham gia dự án này khi chiếm tới 94% vốn của Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng Á châu Hồng Kông. Đáng nói, đây là dự án hạ tầng KCN thứ hai mà tập đoàn này tham gia thực hiện tại Quảng Ninh.
Trước đó, tập đoàn này cũng đã cùng với Infra Asia Investment Limited (Hồng Kông) và International Port Engineering and Management thành lập Công ty cổ phần KCN Tiền Phong để thực hiện dự án Đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN và Cảng Nam Tiền Phong (Thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh). Dự án này có tổng vốn đầu tư khoảng 128 triệu USD.
Còn Tập đoàn AMATA đang thúc đẩy hoàn tất các thủ thục để được chuyển đổi vị trí thực hiện xây dựng hạ tầng KCN từ Phương Nam sang xã Sông Khoai (thuộc Dự án Khu đô thị công nghiệp, công nghệ cao tại Quảng Ninh. Dự án này có thể có vốn đầu tư lên tới 1,5 - 2 tỷ USD và đã được Amata theo đuổi từ nhiều năm nay. Nếu dự án này sớm được hoàn tất thủ tục đầu tư, thì cùng với Dự án KCN Texhong Hải Hà (của Tập đoàn Texhong), số vốn đổ vào bất động sản KCN của Quảng Ninh lên đến con số hơn 2 tỷ USD.
Động lực hút đầu tư
Chỉ cần nhìn vào sự thành công trong việc nhanh chóng lấp đầy các KCN do các nhà đầu tư này thực hiện, có thể khẳng định, Quảng Ninh chắc chắn sẽ đón một làn sóng đầu tư FDI mới với lượng vốn rất lớn. Đơn cử như Hải Phòng đã thu hút thêm được 1,8 tỷ USD vốn FDI vào KCN Đình Vũ do Tập đoàn Rent A Port của Bỉ đầu tư. Hiện, tập đoàn này cũng đang triển khai Dự án KCN Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD.
Với Dự án Phát triển tổ hợp cảng biển và KCN tại khu vực Đầm Nhà Mạc, đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cho biết, các nhà đầu tư đã cam kết, trong vòng 15 năm kể từ khi được bàn giao đất sẽ hoàn thành việc đầu tư xây dựng. Trong quá trình đó, việc kinh doanh hạ tầng KCN sẽ được triển khai từ năm 2018 và dự kiến đến năm 2023 sẽ lấp đầy 60% diện tích đất công nghiệp. Theo đánh giá của tỉnh Quảng Ninh, ngân sách của tỉnh sẽ có thêm 240 tỷ đồng mỗi năm từ các dự án này, cùng khoảng 110.000 việc làm ổn định cho lao động địa phương và các vùng lân cận.
Đó là chưa kể đến KCN Texhong Hải Hà (giai đoạn I rộng 660 ha), với tổng vốn đầu tư 215 triệu USD đang được triển khai xây dựng và đã bắt đầu thu hút được nhiều dự án thứ cấp. Mới đây nhất, vào cuối tháng 9/2016, Công ty TNHH Đại Đông Việt Nam, công ty thành viên của Tập đoàn A-Z (Nhật Bản) đã động thổ Dự án Nhà máy Sản xuất khăn tắm, khăn mặt cao cấp và các sản phẩm liên quan, có giá trị 50 triệu USD tại KCN này. Cùng với dự án trên, KCN Texhong Hải Hà đã thu hút được 5 dự án thứ cấp với tổng vốn gần 500 triệu USD, chỉ sau 2 năm kể từ ngày khởi công.
“Bằng uy tín, thương hiệu, kinh nghiệm lâu năm của các nhà đầu tư trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh hạ tầng KCN, cộng với những nỗ lực của chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong việc tạo lập một môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng và chuẩn bị tốt các yếu tố về hạ tầng như đường, điện, nước,… các KCN này chắc chắn sẽ nhanh chóng được lấp đầy”, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định.