Cụ thể, thu ngân sách nhà nước năm 2015 của Quảng Ninh vẫn tăng và ước đạt 33.350 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng dần theo từng quý, lần lượt là 8,4%, 9,3%, 11,9% và quý IV dự kiến là 13,9%. Tính chung cả năm ước tăng 11% so với năm 2014 và cao hơn mặt bằng chung của cả nước.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực và bám sát mục tiêu chuyển từ “nâu” sang “xanh”, khai thác tối đa các lợi thế riêng có của Quảng Ninh. Đặc biệt, nhóm ngành dịch vụ, du lịch có sự tăng trưởng vượt bậc, với tổng doanh thu đạt 6.500 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ.
Dự kiến đến hết năm 2015, có 97 dự án đầu tư vào Quảng Ninh được cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đạt 53.125 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ |
“Để đạt những kết quả trên, Quảng Ninh đã làm tốt công tác huy động vốn từ xã hội. Cụ thể, tổng vốn đầu tư xã hội trên toàn tỉnh năm 2015 ước đạt 51.341 tỷ đồng, tăng 12,5% cùng kỳ. Trong đó, vốn nhà nước đạt 18.936 tỷ đồng, tăng 9,6% cùng kỳ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 15.156 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ; vốn ngoài nhà nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất là 19,7% và đạt 17.248 tỷ đồng”, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Quảng Ninh đã chủ động áp dụng hình thức đối tác công tư (PPP) để huy động vốn thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, dân sinh lớn phục vụ phát triển đô thị, đời sống nhân dân. Đó là Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh (6.759 tỷ đồng), đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương (10.062 tỷ đồng), trụ sở liên cơ quan số 3, số 4 (809,5 tỷ đồng), nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ thuộc Trung tâm Thể thao vùng Đông Bắc (1.150 tỷ đồng)...
Dự kiến đến hết năm 2015, có 97 dự án đầu tư vào Quảng Ninh được cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đạt 53.125 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Nhiều dự án lớn được triển khai như: Công viên Đại dương (7.779 tỷ đồng); Khu hỗn hợp Chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại kết hợp phố mua sắm tại phường Bạch Đằng (1.318 tỷ đồng); Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long (661 tỷ đồng), Khu Dịch vụ cao cấp Bến Đoan (12.081 tỷ đồng)...
Không chỉ “tâm Hạ Long” đang hấp thụ tốt các dòng vốn, mà các khu vực khác như TP. Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái, Bình Liêu, Đông Triều, Uông Bí… cũng đang có sự chuyển mình. Các nhà đầu tư lớn như Tập đoàn INDEVCO, Sun Goup, Vingroup và nhiều doanh nghiệp khác của tỉnh đã có kế hoạch cụ thể để triển khai các dự án đầu tư tại các địa phương này.
Ví như tại Cẩm Phả là Dự án xây dựng Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn tại phường Quang Hanh (gần 700 ha) của Công ty cổ phần Tập đoàn INDEVCO; hay dự án đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng của Sun Group để xây dựng Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh. Tại Móng Cái, sau hội nghị công bố Quy hoạch vào đầu tháng 11 vừa qua, đã có khoảng 9.700 tỷ đồng cam kết đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái...