Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - nơi đón du khách quốc tế thứ 15 triệu của Việt Nam |
Điểm đến thân thiện, sản phẩm đẳng cấp
Quảng Ninh là cửa ngõ hội nhập thế giới của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ, điểm nút trong Khu vực hợp tác phát triển “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc” và Hợp tác liên vùng vịnh Bắc bộ mở rộng một số nước Đông Nam Á với Trung Quốc. Tỉnh cũng được xác định là vùng động lực, cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
Với tư duy đổi mới, sáng tạo và khát vọng phát triển bền vững, thời gian qua, Quảng Ninh đã đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.
Hiện, tỉnh có hệ thống giao thông kết nối liên vùng và quốc tế đầy đủ cả đường bộ, đường biển và đường hàng không. Ngoài sở hữu tuyến cao tốc dài nhất và hiện đại nhất cả nước, Quảng Ninh còn có 2 cảng tàu khách quốc tế, 1 sân bay quốc tế hiện đại. Hệ thống giao thông góp phần phát huy lợi thế địa chính trị của Quảng Ninh trong khu vực, tăng kết nối vùng và rộng mở cánh cửa chào đón du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Hạ tầng du lịch của Quảng Ninh tương đối tốt với khoảng 43.000 phòng, thuộc 2.200 cơ sở lưu trú, trong đó có 15 khách sạn 5 sao; 154 tàu thủy du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, hàng ngàn phương tiện chuyên chở đường bộ khác nhau.
Năm 2023, Quảng Ninh đã đưa 38 sản phẩm du lịch mới vào hoạt động, khai thác, nhằm tạo sự phong phú, đa dạng hấp dẫn du khách. Trong đó, TP. Hạ Long dẫn đầu với 8 sản phẩm du lịch mới. Một số sản phẩm đã từng thử nghiệm từ những năm trước như “Phố đêm du thuyền”, du lịch thể thao, vui chơi giải trí thuyền buồm trên vịnh Hạ Long, nghe nhạc trên vịnh Hạ Long.
Các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế được đầu tư đưa vào sử dụng, như Khu du lịch quốc tế, sân golf Tuần Châu; Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử - Mgallery; Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl Hạ Long; Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Yoko Onsen Quang Hanh; Quần thể du lịch nghỉ dưỡng, sân golf FLC Hạ Long, đã tạo sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút khách quốc tế, đặc biệt là dòng khách cao cấp đến Quảng Ninh.
Nhắc đến Quảng Ninh, không thể không nhắc tới vịnh Hạ Long - trọng điểm đón khách quốc tế của tỉnh. Từ khi vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1994, năm 2000 và mới đây, ngày 16/9/2023, vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản thiên nhiên thế giới, lượng khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế tới Quảng Ninh khởi sắc rõ rệt. Năm 2016, Quảng Ninh đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế, đến năm 2022, con số này tăng gần gấp đôi, lên khoảng 6,5 triệu lượt.
Anh Aizat Raman, du khách Brunei cùng vợ ghé thăm Hạ Long vào tháng 4/2023 chia sẻ, anh tự tìm kiếm thông tin trên mạng Internet và chọn tour ban ngày tham quan vịnh Hạ Long kéo dài 6 tiếng trên du thuyền 5 sao Ambassador. Anh rất ấn tượng với sự thân thiện, mến khách của người Quảng Ninh và dự định quay lại đây thêm nhiều lần nữa, bởi điểm đến này không chỉ hấp dẫn, cạnh tranh về giá, mà còn rất dễ tiếp cận.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, trong 9 tháng năm 2023, du lịch Quảng Ninh ghi nhận con số ấn tượng khi đón gần 13 triệu lượt du khách (gần 1 triệu lượt khách quốc tế), tăng 41,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu du lịch đạt 24.460 tỷ đồng, tăng 34,8% so với cùng kỳ. Khách quốc tế chủ yếu đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Anh, Australia, Đức, Malaysia và Canada. Quảng Ninh đặt mục tiêu đón 15 triệu lượt du khách, trong đó có 2 triệu lượt khách quốc tế; doanh thu từ du lịch ước đạt 32.400 tỷ đồng trong năm nay.
Xây dựng Quảng Ninh thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quảng Ninh xây dựng Vân Đồn trở thành một trong 4 trọng điểm du lịch của tỉnh, dồn lực phát triển cho vịnh Bái Tử Long, liên kết phát triển du lịch giữa vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long. Ngoài ra, tỉnh cũng đã phối hợp chặt chẽ với Hải Dương, Bắc Giang để gửi Hồ sơ Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là di sản thế giới. Với nỗ lực này, du lịch Quảng Ninh hoàn toàn có thể hy vọng vào một Di sản thế giới thứ hai, mở ra một trọng điểm du lịch quốc tế mới bên cạnh vịnh Hạ Long.
Còn tại Quyết định số 2256/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phục hồi và phát triển bền vững ngành du lịch Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành ngày 8/8/2023, Quảng Ninh phấn đấu đưa du lịch phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững, khẳng định vai trò là một trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu của quốc gia. Giai đoạn 2025 - 2030, tỉnh phấn đấu đón ít nhất 25,5 - 26 triệu lượt khách, trong đó có ít nhất 8,6 - 9 triệu lượt khách quốc tế; tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch đạt 10 - 11%/năm (năm 2030 là 15%).
Để đạt những mục tiêu này, Quảng Ninh sẽ phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Phát triển du lịch thực sự chuyên nghiệp, hiện đại, chú trọng chiều sâu, chất lượng đạt đẳng cấp quốc tế, đóng vai trò vừa là điểm đến hấp dẫn, khẳng định thương hiệu mạnh và khả năng cạnh tranh quốc tế cao.