Quảng Ninh giờ đẹp lắm
“Tuyệt vời”, “bất ngờ” là hai từ được sử dụng nhiều nhất khi người dân Quảng Ninh nói về quê mình, nhất là những người sinh sống tại đây hàng chục năm. Còn thế hệ trẻ cũng tràn ngập một cảm giác tự hào về quê hương - mảnh đất đang giàu và đẹp lên từng ngày.
Bạn bè trong nước, quốc tế tìm đến Quảng Ninh không chỉ vì Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Họ đến còn là để được tận mắt chứng kiến một Quảng Ninh, một TP. Hạ Long đang đổi thay từng ngày đến ngỡ ngàng và trầm trồ rằng: “Quảng Ninh bây giờ khác lắm”, “Quảng Ninh giờ đẹp lắm”.
Nụ cười Hạ Long là lời mời gọi quyến rũ du khách của du lịch Quảng Ninh. Ảnh: Trường Giang |
Dọc con đường ven biển Trần Quốc Nghiễn dài khoảng 7 cây số, nối dài từ phố Bến Đoan đến tận cột 8, hàng loạt công trình hiện hữu đã mang lại điểm nhấn cho thành phố bên bờ vịnh, như Khu đô thị Vinhmes Dragon Bay, Trung tâm thương mại Vincom Center Hạ Long, Công viên Hạ Long, Bảo tàng, Thư viện Quảng Ninh, Quảng trường 30-10, Cung Cá heo... Hoàn toàn xứng đáng khi gọi đây là con đường đẹp nhất Hạ Long.
Từ cửa ngõ phía Tây Thị xã Đông Triều theo Quốc lộ 18A, hàng loạt công trình lớn tạo điểm nhấn đô thị và phục vụ du khách đã được hình thành. Đó là Cổng chào tỉnh Quảng Ninh do Kiến trúc sư Salvador Perez Arroyo thực hiện với ý tưởng xây dựng một không gian chuyển tiếp giữa 2 khu vực đô thị. Đó là Quảng Ninh GATE sạch sẽ và văn minh, không chỉ là điểm dừng chân nghỉ ngơi giữa chuyến đi dài của lữ hành, mà còn là nơi giới thiệu những sản vật đặc trưng của Quảng Ninh.
Đó còn là nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ - nơi sẽ diễn ra các hoạt động thể thao lớn không chỉ của Quảng Ninh, mà còn cả vùng Đông Bắc; là con đường huyết mạch đã được mở rộng và nâng cấp về đến tận Mông Dương; là cây cầu Bãi Chãy không còn đứng chơ vơ khi có tuyến cáp treo vượt biển nối Bãi Chãy với đỉnh Ba Đèo…
Những con phố trung tâm của Hạ Long đã được khoác lên mình một diện mạo mới. Không còn những “mạng nhện” của dây diện, dây cáp lủng lẳng trên đầu người, vắt qua nhà, ngang qua đường với nhiều nguy hiểm rình rập và gây mất mỹ quan. Tất cả đã được “ngầm hóa”. Những tòa nhà tập thể cũ kỹ, xuống cấp ngay giữa trung tâm thành phố đã được phá dỡ. Thay vào đó là những tòa nhà cao tầng mới, những dãy nhà shophouse khiến cả một khu phố bừng sáng.
Những con đường, tuyến phố được mở rộng, nâng cấp, được khoác lên mình diện mạo khác hẳn. Đó là đoạn Quốc lộ 18 (điểm đầu nối tuyến cao tốc tại phường Đại Yên và điểm cuối sẽ kết nối với đường Hoàng Quốc Việt, phường Hùng Thắng) được mở rộng từ 4 làn xe lên 10 làn xe, tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng vừa được hoàn thành. Ngã tư Loong Toòng vốn vẫn là điểm đen giao thông nay đã thênh thang sau khi được nâng cấp từ 2 lên 6 làn xe, với hệ thống biển báo hiệu đồng bộ, hiện đại…
Chuyển từ “nâu” sang “xanh”
Dường như mọi thay đổi về diện mạo của thành phố bên bờ Vịnh Hạ Long hay như nhiều nơi khác đều đang gắn liền với sự phát triển ngành du lịch của tỉnh Quảng Ninh. Cứ nhìn hạ tầng đô thị nơi đây đang thay đổi từng ngày, đẹp hơn, bề thế hơn, mới thấy hiệu quả và tác động của ngành du lịch đến mảnh đất này.
Từ cụm công trình đường ven biển, đến công trình Bảo tàng - Thư viện tỉnh, nằm trong quần thể các công trình văn hoá Cột 3, phường Hồng Hải, TP. Hạ Long, đưa điện lưới ra Cô Tô - dự án có ý nghĩa quan trọng để thực hiện chiến lược hướng biển của Quảng Ninh, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã vào giai đoạn nước rút để chuẩn bị có những chuyến bay đầu tiên vào tháng 8 năm nay, tất cả đều là những công trình quy mô lớn, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng và phát triển của Quảng Ninh.
Còn cả đường hầm vượt sông Cửa Lục để phá thế độc đạo của cây cầu Bãi Cháy cũng đã có trong kế hoạch. Hay tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sắp được khởi công vào tháng 7 tới...
Thống kê cho thấy, 90% trữ lượng than của cả nước tập trung ở Quảng Ninh. Và có một thời, “nồi cơm” duy nhất của Quảng Ninh là than. Nhưng than có nhiều đến mấy rồi sẽ đến lúc phải hết. Vì thế, Quảng Ninh phải tìm hướng đi khác hướng đến một nền kinh tế phát triển bền vững hơn.
Cuối tháng 9/2013, kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XII đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nghị quyết này là một dấu mốc cho những nỗ lực bền bỉ của Quảng Ninh để chuyển từ “nâu” sang “xanh”. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2015, Quảng Ninh sẽ không còn phụ thuộc vào “vàng đen” - than nữa.
Kết quả là, dù năm 2015 là năm rất khó khăn với tỉnh Quảng Ninh, do xuất khẩu than đạt thấp, hoạt động kinh tế biên mậu, tạm nhập tái xuất qua cửa khẩu với Trung Quốc suy giảm do chính sách biên mậu thay đổi…, song tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh vẫn đạt 11%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất cho đến thời điểm đó của Quảng Ninh.
Đà tăng trưởng ấy vẫn tiếp tục được giữ vững cho đến hiện tại và duy trì ở mức hai con số. Thu ngân sách nội địa năm đó cũng ở mức cao nhất - đạt gần 20.000 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Trung ương giao đến 3.900 tỷ đồng. Và năm 2017, Quảng Ninh đã xác lập một kỷ lục mới với 27.650 tỷ đồng thu nội địa.
Nhiều lần ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã nhấn mạnh, Quảng Ninh muốn phá bỏ vị thế độc tôn của than thì phải tìm cách hút được nguồn lực khổng lồ của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Cởi nút thắt thể chế, phá bỏ tư duy quản lý, xây dựng nền hành chính phục vụ là cách để chính quyền Quảng Ninh thực hiện được điều đó. Những dòng vốn khổng lồ liên tục đổ về nơi đây, góp phần dựng xây mảnh đất này đẹp lên bội phần. Lời giải nghe có vẻ đơn giản, nhưng để thành công thì đã có cả một cuộc cách mạng cải cách của địa phương này từ tư duy cho đến hành động.
Chủ động, sáng tạo và kiên quyết
Thật trùng lặp, năm 2018, Quảng Ninh đăng cai tổ chức một sự kiện quy mô quốc gia - Năm Du lịch quốc gia cũng là năm địa phương này bước sang tuổi 55. Đây sẽ lại là một dấu mốc đáng nhớ của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Đáng nhớ vì niềm vui nối tiếp niềm vui.
Nhiều sự kiện trọng đại, đánh dấu một bước phát triển nhảy vọt mới của địa phương đều sẽ được diễn ra trong năm 2018. Đó là Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn sẽ sớm có cơ sở luật định để được dựng xây, là những cánh bay đầu tiên được cất cánh tại sân bay đặt trên đất Quảng Ninh, là những tuyến cao tốc được thông xe…
Những dự án trên giúp Quảng Ninh từ giảm sẽ tiến đến hoàn toàn không phụ thuộc vào than nữa. Và kịch bản phát triển kinh tế của Quảng Ninh sẽ theo đúng như những gì ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh từng chia sẻ: “Phát triển du lịch cũng là để tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; đồng thời góp phần quan trọng vào việc nâng cao tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh…”.
Những gì mà ngành du lịch đóng góp cho sự tăng trưởng có thể nói là thần kỳ của Quảng Ninh trong thời gian qua là không thể phủ nhận. Nhưng lãnh đạo Quảng Ninh vẫn còn nhiều trăn trở, suy tư, vì kết quả đạt được chưa được như kỳ vọng. Bởi vẫn còn đó những “hạt sạn” làm giảm sự đóng góp của ngành kinh tế không khói, những người làm du lịch vẫn chưa ý thức được vai trò của mình trong việc định vị thương hiệu du lịch của địa phương. Vậy nên, vẫn còn đâu đó những người vì lợi nhuận trước mắt mà tăng giá dịch vụ, chặt chém du khách; vẫn còn đó những nhức nhối của vấn nạn “tour 0 đồng”…
Song lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh quyết không để những “hạt sạn” đó cản trở giấc mơ đưa Quảng Ninh trở thành một trung tâm du lịch thế giới. Quảng Ninh chủ động đề xuất Chính phủ cho áp dụng quy chế riêng để quản lý hoạt động lữ hành đón khách Trung Quốc; kiến quyết xử lý mạnh tay những cơ sở dịch vụ kém chất lượng; đình chỉ những tàu du lịch, những thuyền trưởng, thuyền viên vi phạm quy định về hoạt động…
Chủ động, sáng tạo và kiên quyết vẫn luôn là cách mà Quảng Ninh lựa chọn để giải quyết mọi vấn đề!