Thống kê sơ bộ tính đến ngày 16/9/2024, thiệt hại về người và tài sản trên địa bản tỉnh Quảng Ninh ước tính khoảng 24.223 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại nhà ở, công trình kiến trúc 6.447 tỷ đồng; lâm nghiệp 5.207 tỷ đồng; thủy sản 3.692 tỷ đồng; văn hóa du lịch là 2.485 tỷ đồng.
Sau bão, nhiều cá nhân và doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề gần như mất hoàn toàn tài sản. Nhiều khách hàng của các tổ chức tín dụng không còn khả năng trả nợ, nhất là lĩnh vực nông, lâm, thủy sản (bị trôi dạt mất bè nuôi thủy sản, cây trồng bị gãy, đổ hoàn toàn), lĩnh vực kinh doanh dịch vụ (tàu du lịch tham quan, tàu hàng bị chìm đắm, hư hỏng)…
Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có trên 21.000 khách hàng vay vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề sau bão, dư nợ bị thiệt hại trên 10.000 tỷ đồng. Ngay sau bão, Quảng Ninh đã khẩn trương, bắt tay ngay vào khắc phục, hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp tái khởi động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.
Tỉnh Quảng Ninh đã ngay lập tức cấp bổ sung cho các địa phương kinh phí hỗ trợ (đợt 1) số tiền là 180 tỷ đồng. Thực hiện cơ cấu lại nguồn chi 2024, tiết kiệm chi, để dành 1.000 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp.
Để sớm ổn định cuộc sống người dân, đặc biệt là khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, tính từ ngày 8/9 đến nay, bằng nguồn vốn Trung ương và địa phương, tại Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Ninh đã giải ngân cho 1.620 hộ vay vốn với số tiền là 108,7 tỷ đồng.
Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh giải ngân vốn vay cho các hộ dân trên địa bàn phường Cẩm Thạch. Ảnh: Quảng Ninh Portal |
Hiện, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Ninh tiếp tục tập trung nguồn vốn để ưu tiên giải ngân cho vay đối với các hộ dân, khu vực, địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu. Ngân hàng cũng thực hiện việc gia hạn nợ và điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho các khoản vay đến hạn từ tháng 9/2024. Thời hạn thông thường tối đa là 12 tháng đối với các khoản cho vay ngắn hạn và tối đa 1/2 thời hạn cho vay đối với các khoản cho vay trung và dài hạn.
Toàn tỉnh hiện có 12.709 hộ đang vay vốn tín dụng chính sách với tổng dư nợ 741 tỷ đồng bị thiệt hại bởi cơn bão số 3. Đối với các hộ này, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Ninh sẽ tạm dừng thu lãi đến hết ngày 31/12/2024.
Thực hiện ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã giao các sở, ngành chủ trì, phối hợp xây dựng, sớm hoàn thiện tờ trình dự thảo nghị quyết chính sách cho vay bổ sung tại Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Ninh.
Trước đó, ngày 19/9, đã có 5 ngân hàng thương mại gồm: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank); Ngoại thương Việt Nam (VCB); Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Công Thương Việt Nam (Vietinbank); Bản Việt (BVBank) triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sau bão.
Theo đó, điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm; miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả; giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng vay mới, đặc biệt là khoản vay ngắn hạn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh phát sinh từ ngày 6/9. Chương trình hỗ trợ được áp dụng chung đối với các tỉnh, thành phố bị thiệt hại sau bão số 3.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng ban hành Gói tín dụng 200.000 tỷ đồng hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay vốn để phục hồi hoạt động sau ảnh hưởng của bão kể cả cho vay ngắn, trung, dài hạn với mức lãi suất ưu đãi hơn mức cho vay thông thường.