Quảng Ninh còn nhiều dư địa để các nhà đầu tư lớn triển khai các tổ hợp sản xuất quy mô. Trong ảnh: Nhà máy của Foxconn tại Khu công nghiệp Đông Mai ảnh: báo quảng ninh |
Lợi thế khác biệt
Ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp (KCN) DEEP C nhiều lần chia sẻ về quyết định đầu tư 2 dự án hạ tầng KCN tại Quảng Ninh rằng: “Chúng tôi nhận thấy Quảng Ninh có những lợi thế rất riêng mà không một địa phương nào có được. Đơn cử như vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới. Chỉ riêng yếu tố này thôi đã là lợi thế lớn để thu hút người lao động về đây làm việc, với môi trường tuyệt vời để sinh sống. Các nhà đầu tư sản xuất thân thiện với môi trường cũng sẽ rất quan tâm đến những địa phương có nhiều giải pháp phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường. Quảng Ninh không cần phải so sánh với địa phương nào trong thu hút FDI”.
Đề cập những lợi thế nổi trội của Quảng Ninh, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, ngoài 2 lợi thế sẵn có là vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản phong phú, thì những lợi thế còn lại có được là do sự chủ động và nỗ lực xây dựng từ nội lực của Quảng Ninh.
Đặc biệt, theo đánh giá của ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, môi trường đầu tư, kinh doanh của Quảng Ninh đã có những bước tiến đột phá từ sau năm 2012 và trở thành 2 lợi thế đặc biệt cho địa phương này trong thu hút đầu tư.
Xúc tiến đầu tư (www.investinquangninh) đến nay đã thu hút được 10,3 triệu lượt truy cập.
Bộ công cụ này đã thể hiện được những thông tin mới nhất và cụ thể nhất, những vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm khi tìm hiểu môi trường đầu tư tại Quảng Ninh, từ lực lượng lao động tới hạ tầng điện, nước, giao thông...
Hơn nữa, quỹ đất công nghiệp của Quảng Ninh còn nhiều, đáp ứng được nhu cầu xây dựng các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, giá thuê cũng cạnh tranh so với một số địa phương lân cận như Hải Dương, Hải Phòng. Hiện tại, Quảng Ninh có 548,61 ha đất công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng sẵn sàng cho thuê; đến năm 2025, dự kiến có 3.658 ha và đến năm 2030 sẽ có khoảng 5.904 ha.
“Do đó, ngoài yếu tố vị trí địa lý, hạ tầng đồng bộ, thì lợi thế được đánh giá cao chính là tiềm năng và dư địa phát triển của bất động sản KCN Quảng Ninh”, ông Chí Vũ, Trưởng bộ phận Dịch vụ KCN (Colliers Việt Nam) khẳng định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đô thị Amata Hạ Long chia sẻ: “Nhờ lợi thế về diện tích đất KCN còn nhiều, nên Quảng Ninh hoàn toàn có thể đáp ứng được những dự án đòi hỏi quy mô sử dụng diện tích đất lớn. Quan trọng là các nhà đầu tư hạ tầng cần sớm có được quỹ đất sạch để nhanh chóng triển khai đầu tư hạ tầng. Hiện giai đoạn I của chúng tôi gần như đã được lấp đầy bởi các dự án của nhà đầu tư thứ cấp Jinko Solar. Giai đoạn II chúng tôi đang đẩy mạnh san lấp, xây dựng hạ tầng với phần diện tích đã được giải phóng mặt bằng”.
Chủ động mời gọi và đón những dự án xứng tầm
Đại diện McKinsey Việt Nam - đơn vị tư vấn lập Quy hoạch chung tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030 cho biết, khi tính toán các nguồn lực để Quảng Ninh có thể thực hiện được các mục tiêu chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, thì tỷ trọng vốn FDI chiếm khoảng 24% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tuy nhiên, để có thể đón được dòng vốn lớn cũng như mời gọi được các nhà đầu tư đúng lĩnh vực mà Quảng Ninh mong muốn, thì tỉnh phải có tư duy chiến lược, xác định rõ những ngành, lĩnh vực trọng tâm và xác định được những nhà đầu tư xứng đáng để dành những cơ chế ưu đãi tốt nhất.
Theo các chuyên gia, Quảng Ninh cần đón được các nhà đầu tư thực hiện những dự án quy mô lớn tương tự LG tại Hải Phòng, hay Samsung tại Thái Nguyên... Chỉ cần thu hút được nhà đầu tư lớn đến “xây tổ”, thì sẽ kéo theo cả một hệ sinh thái các doanh nghiệp phụ trợ. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp tại Quảng Ninh tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng cho những doanh nghiệp này.
Đó cũng chính là hướng đi của Quảng Ninh trong công tác xúc tiến và thu hút FDI. Quảng Ninh cũng đã thành công với hướng đi này. Một số tên tuổi nổi bật có thể kể đến là Texhong với việc hình thành chuỗi dự án trong ngành công nghiệp dệt may; Foxconn trong lĩnh vực công nghiệp điện tử; Jinko Solar sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời...
Chia sẻ với Báo Đầu tư, ông Uber Mendez, Trưởng phòng Vận hành Công ty TNHH Competition Team Technology Việt Nam - CTTV (thành viên của Tập đoàn Foxconn) cho biết: “Khi triển khai kế hoạch mở rộng sản xuất, lãnh đạo Tập đoàn đã nghiên cứu tại nhiều địa phương, trong đó có Quảng Ninh. Thông qua Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) Quảng Ninh, chúng tôi đã được cung cấp các thông tin đầy đủ và quyết định chọn KCN Đông Mai, bởi các yếu tố như vị trí, chi phí và lao động”.
CTTV đang hoạt động rất tốt tại KCN Đông Mai và Tập đoàn Foxconn cũng có kế hoạch từ nay đến năm 2024 sẽ mở rộng dự án ngay tại quỹ đất trống bên cạnh nhà máy hiện tại.
Công ty Jinko Solar Hongkong Limited - một trong những nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất và tiên tiến nhất trên thế giới - cũng đã chọn Quảng Ninh để xây dựng tổ hợp sản xuất thứ 3 trên toàn cầu. Đặc biệt hơn, đây là dự án nhà máy thông minh tích hợp pin, module duy nhất tính đến hiện tại của Jinko Solar. Không chỉ thực hiện liên tiếp 3 dự án, Jinko Solar còn xây dựng nhà ở cho người lao động thuê, qua đó cho thấy mong muốn gắn bó lâu dài với Quảng Ninh.
Đổi mới xúc tiến đầu tư
Bà Vũ Thị Kim Chi, Phó trưởng ban thường trực IPA Quảng Ninh cho biết, trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, Quảng Ninh sẽ không chạy theo số lượng, mà chọn chất lượng. Tỉnh còn nhiều dư địa để các nhà đầu tư lớn triển khai các tổ hợp sản xuất quy mô.
Quan điểm của tỉnh Quảng Ninh là tiếp tục thực hiện các phương thức xúc tiến đầu tư truyền thống, nhưng để tăng hiệu quả thì phải nâng tầm quy mô các sự kiện và thể hiện được sự trọng thị của tỉnh. Hội nghị Xúc tiến đầu tư đầu tiên trong năm 2022 của Quảng Ninh, với sự tham dự của các thành viên Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) đến từ 21 nền kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một minh chứng cụ thể.
Các tập đoàn lớn trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo thiết bị điện tử đã có mặt tại cuộc xúc tiến này. Đó là NEC Corporation - tập đoàn điện tử và công nghệ thông tin đa quốc gia của Nhật Bản; Tập đoàn Quanta Computer - một trong những nhà sản xuất máy tính xách tay hàng đầu thế giới; Tập đoàn BAE Systems PLC hoạt động trong lĩnh vực vũ trụ, an ninh và vũ trụ đa quốc gia của Anh, đứng thứ 7 trên thế giới; Manufacturing Council of PNG - tập đoàn hàng đầu về lĩnh vực năng lượng... Ngoài ra, Hội nghị còn có sự tham dự của một số tổ chức quốc tế uy tín như Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF), Liên đoàn Các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI)...
Sau các hội nghị xúc tiến đầu tư, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã trực tiếp gửi thư cảm ơn tới các tổ chức, doanh nghiệp tiêu biểu và nhận được những phản hồi tích cực. Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội sau khi dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư Quảng Ninh (tháng 12/2021) đã chia sẻ: “Tôi được biết, các nhà đầu tư rất ấn tượng và đánh giá cao sự chuyên nghiệp, tính cầu thị, cũng như sự mong muốn hợp tác của địa phương, đồng thời cũng thấy rõ được cơ hội phát triển của ‘một Việt Nam thu nhỏ’ này”.
Thay vì chờ nhà đầu tư đến với mình, Quảng Ninh luôn chủ động, tích cực, tập trung tiếp cận tổ chức, cá nhân có sức ảnh hưởng và có vai trò quyết định. Công tác hỗ trợ thủ tục đầu tư và tháo gỡ các vướng mắc được giải quyết nhanh chóng thông qua Tổ Investor Care - hỗ trợ, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và các tổ công tác hỗ trợ triển khai dự án...
Với cách làm hiệu quả, tới đây, Quảng Ninh sẽ đón một số dự án mới trong lĩnh vực công nghiệp ô tô đến từ Thụy Điển. Bên cạnh đó, Dự án 1,5 tỷ USD của Công ty cổ phần Hóa dầu Stavian Quảng Yên sản xuất hạt nhựa Polypropylene (PP) cũng đang gấp rút hoàn thành các thủ tục đầu tư…