Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Đường băng đã sẵn sàng
Không có đường tắt cho việc phát triển các đặc khu kinh tế. Muốn nhà đầu tư vào đặc khu, cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong đó, việc tạo sự kết nối với thế giới bên ngoài là điều cực kỳ quan trọng để có thể phát triển một đặc khu kinh tế thành công. Ông Andrew Grant, Giám đốc McKinsey & Company Singapore đã phát biểu như vậy khi đưa ra các khuyến nghị cho Quảng Ninh về việc phát triển Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn tại Hội thảo khoa học quốc tế về phát triển đặc khu kinh tế, tổ chức tại Quảng Ninh hồi cuối tháng 3/2014.
Thực tế, kể từ khi có Thông báo 108-TB/TW ngày 1/10/2012 của Bộ Chính trị, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động báo cáo Trung ương và tiến hành triển khai đầu tư nhiều dự án hạ tầng giao thông kết nối các vùng, miền với Khu kinh tế (KKT) Vân Đồn. Trong đó có những dự án quan trọng sắp cán đích, như Dự án Đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với tổng mức đầu tư gần 14.000 tỷ đồng; Dự án Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 18A Hạ Long - Mông Dương với tổng vốn đầu tư gần 14.000 tỷ đồng đang được đẩy nhanh tiến độ để có thể hoàn thành trong năm 2017.
Cùng với nhiều dự án khác như Cầu Bắc Luân II, đường dẫn Cầu Bắc Luân II (đang được triển khai), tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (sắp thực hiện) đang và sẽ cải thiện căn bản hạ tầng giao thông kết nối KKT Vân Đồn với Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long, Móng Cái. Nhờ đó, việc giao thương sẽ dễ dàng hơn và càng làm tăng sức hấp dẫn trong thu hút nguồn lực đầu tư vào KKT Vân Đồn.
Đặc biệt, sự kết nối với quốc tế của KKT Vân Đồn đang dần được hình thành, khi Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh với tổng mức đầu tư trên 7.400 tỷ đồng, do Tập đoàn Sungroup là chủ đầu tư, đang được triển khai và đến cuối năm 2017 có thể đưa vào khai thác. “Dự án này càng có ý nghĩa với KKT Vân Đồn khi nơi đây được xác định sẽ xây dựng một khu đặc biệt theo hướng dịch vụ, du lịch cao cấp, trung tâm công nghệ, phát triển nông nghiệp sạch, công nghiệp sạch...”, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Nếu sự kết nối với thế giới bên ngoài là điều kiện cần, thì giao thông nội khu sẽ là điều kiện đủ. Hiện hạ tầng giao thông nội khu của KKT Vân Đồn đã cơ bản hoàn thành. Tuyến giao thông trục chính nối các khu chức năng chính đã hoàn thành giai đoạn I với chiều dài 7 km, kết nối khu vực trung tâm của KKT với sân bay đã hoàn thành. Trong khi đó, giai đoạn II kết nối sân bay với khu công viên phức hợp có casino đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư. Bến cảng du lịch Cái Rồng (huyện Vân Đồn) đã được đầu tư xây dựng mới và đã đưa vào sử dụng. Ngoài ra, nhiều dự án hạ tầng giao thông khác cũng đã và đang được triển khai, như cảng Cái Rồng, cảng tàu và bãi đỗ xe tại khu vực chùa Cái Bầu, đường trục KKT Vân Đồn, cầu Vân Tiên...
Không chỉ có hệ thống giao thông được tập trung nguồn lực đầu tư, mà Quảng Ninh còn dành một phần nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng viễn thông, hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải, rác thải... Riêng hạ tầng điện đã cơ bản hoàn thành với việc đưa điện lưới quốc gia tới 5 xã đảo của huyện Vân Đồn, nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt xấp xỉ 100%.
Sẽ sớm cất cánh
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, theo Đề án Phát triển khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn mà tỉnh Quảng Ninh xây dựng, nhu cầu vốn để xây dựng là khoảng 12 tỷ USD cho giai đoạn 2014 - 2030. Trong đó, giai đoạn đầu (2014 - 2020) cần đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, với nhu cầu vốn đầu tư là 5,2 tỷ USD. Đến nay, với những kết quả ban đầu trong việc huy động vốn đầu tư hạ tầng, có thể thấy, bài toán này đã có lời giải.
Quảng Ninh đã rất thành công khi mời gọi được nhà đầu tư chiến lược để thực hiện các dự án trọng điểm trong KKT Vân Đồn, đó là Tập đoàn Sun Group. Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh và Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp (có hạng mục casino) là hai dự án được xác định có vai trò động lực. Trong đó, Dự án Cảng hàng không đang được triển khai, Dự án Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp (tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng) đang được lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000.
Song ngoài 2 dự án trên, Vân Đồn vẫn chưa thu hút được dự án nào khác có quy mô thực sự lớn, đóng vai trò động lực phát triển của KKT. Điều này đã minh chứng cho nhận định của ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam rằng, “cần xác lập khung thể chế thực sự vượt trội theo chuẩn mực toàn cầu mới đảm bảo được tính hấp dẫn thực sự của đặc khu kinh tế đối với giới đầu tư thế giới”.
Mới đây, theo Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2016, số 103/NQ-CP ngày 5/12, Chính phủ đã thống nhất nguyên tắc xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, gồm Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Đây là cơ sở pháp lý đầu tiên, đặt nền móng cho việc hình thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn trong tương lai của Quảng Ninh.
“Với những việc đã, đang làm khẩn trương, Quảng Ninh cũng đã liên tục gửi đi những thông điệp và có những hành động cụ thể để tạo những tiền đề quan trọng cho việc xây dựng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn”, ông Nguyễn Đức Long khẳng định.