Theo quy hoạch Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tỉnh xác định rõ quan điểm, mục tiêu phát triển, trong đó: “Phát huy đối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế riêng có, khác biệt, nguồn lực của tỉnh; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực theo phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu, lấy “đầu tư công làm vốn mồi, dẫn dắt, kích hoạt đầu tư ngoài xã hội”. Tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh mang lại nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng động lực về kinh tế - xã hội ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại, hội nhập sâu rộng, phát triển kinh tế tổng hợp, toàn diện, hiện đại với độ mở cao”.
Với chiều dài 176 km, tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái được coi là trục giao thông xương sống của tỉnh Quảng Ninh. Đây là tuyến cao tốc kết nối trực tiếp, đồng bộ tới cả 3 khu kinh tế gồm khu kinh tế ven biển Quảng Yên, khu kinh tế Vân Đồn và khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái của tỉnh Quảng Ninh. Tuyến đường còn tạo điều kiện thuận lợi giao thông theo trục hướng Lạng Sơn đi Móng Cái, Vân Đồn, Hạ Long, đồng thời phát huy công năng của Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn.
Tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Móng Cái được đưa vào khai thác đã tạo không gian phát triển mới, dẫn dắt phát triển liên kết vùng. |
Việc kiến tạo hành lang giao thông hiện đại gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị đã, đang và sẽ tiếp tục mở ra không gian phát triển mới, nguồn lực mới, cơ hội mới, không chỉ cho Quảng Ninh mà cho cả vùng đồng bằng sông Hồng.
Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 36 dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật, trong đó có nhiều dự án giao thông động lực, trọng điểm, điển hình như đường tỉnh 341, cầu Tình Yêu, cầu Bình Minh.
Sau hơn một năm thi công, ngày 28/7, dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 nối Hạ Long - Ba Chẽ - Lạng Sơn đã chính thức được hoàn thành và đưa vào khai thác. Việc đưa vào khai thác này bước đầu đã hình thành hành lang đường bộ liên hoàn giữa TP. Hạ Long, huyện Ba Chẽ của Quảng Ninh với các tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang, giúp giảm đáng kể quãng đường, thời gian di chuyển từ Hạ Long - Lạng Sơn và ngược lại so với hệ thống đường kết nối cũ.
Dự án đoạn qua địa bàn huyện Ba Chẽ (điểm đầu nối với xã Kỳ Thượng, TP. Hạ Long tại Km37+500, đường tỉnh 342; điểm cuối nối với xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn tại Km58+405).
Đường tỉnh 342 đoạn qua huyện Ba Chẽ đã hoàn thành thi công. Ảnh: Đỗ Phương |
Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp III miền núi, 2 làn xe, dài 20,9km, rộng 9m, thực hiện cạp mở rộng và hạ dốc, cắt cua trên cơ sở hướng tuyến cũ. Trên tuyến thiết kế 4 cầu gồm: Thác Dạ, Thác Chạ, Khe Lũ, Khe Lào và 1 nút giao đồng mức giao cắt với tỉnh lộ 330 cũng như hệ thống thoát nước, phòng hộ và ATGT. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Có thể thấy rõ, tuyến đường đã trở thành động lực mới cho khu vực vùng cao của Tỉnh nói riêng và góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu thúc đẩy liên kết vùng của tỉnh Quảng Ninh nói chung. Từ đây cũng sẽ hình thành chuỗi kết nối kinh tế, mở rộng tổ chức không gian phát triển, tạo ra các điều kiện mới cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương này.
Với việc dành nguồn lực đầu tư thỏa đáng cho đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, tuyến đường đã góp phần tạo không gian kết nối giữa TP. Hạ Long, huyện Ba Chẽ và tỉnh Lạng Sơn. Đáp ứng nhu cầu đi lại, tạo điều kiện thuận lợi giao thương hàng hóa. Cùng đó, góp phần thu hút đầu tư, mở ra cơ hội mới cho phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả và bền vững.
Cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên (TP. Hải Phòng) với thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) qua sông Đá Bạch. |
Trước đó, ngày 17/7/2024, TP Hải Phòng đã tổ chức lễ thông xe dự án cầu Bến Rừng và đường nối giữa huyện Thủy Nguyên với thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh sau hơn hai năm thi công (khởi công ngày 13/5/2022). Đây là công trình hành lang giao thông đường bộ thứ ba kết nối giữa hai địa phương, nắm giữ vai trò là 2 đỉnh của tam giác kinh tế phía Bắc, mang ý nghĩa hiện thực hóa chương trình hợp tác, kết nối liên vùng cùng thúc đẩy phát triển.
Quảng Ninh cũng đang phối hợp với TP. Hải Phòng và tỉnh Hải Dương đầu tư, kiến tạo một số dự án giao thông kết nối liên vùng giai đoạn 2022-2025, như: Tuyến nối QL18 và đường tốc độ cao ven sông TX Đông Triều - Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương); trục giao thông kết nối huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang), TP. Chí Linh (tỉnh Hải Dương) với TX Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh); đầu tư cải tạo, nâng cấp QL10 đoạn từ nút giao với QL18 (tỉnh Quảng Ninh) đến cầu vượt Quán Toan (TP. Hải Phòng).
Trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Quảng Ninh bám sát định hướng quy hoạch cấp quốc gia để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng (Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang,…). Nội vùng (nhất là giữa các khu vực vùng cao, miền núi với các vùng động lực, trung tâm đô thị) gắn với các hành lang phát triển kinh tế (hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh).