Dự án Đường kết nối 2 đầu cầu dây văng qua sông Hiếu bị vướng mặt bằng nên vẫn ngổn ngang, chưa thể hoàn thiện |
Vướng mắc tại nhiều dự án lớn
Một số dự án giao thông có tổng mức đầu tư lớn, nhưng tỷ lệ giải ngân thấp hơn mục tiêu đề ra đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của Quảng Trị. Có thể kể đến Dự án Đường kết nối 2 đầu cầu dây văng sông Hiếu - giai đoạn I (đang bị vướng đoạn kết nối đường đầu cầu phía Nam cầu dây văng sông Hiếu với trung tâm TP. Đông Hà); Dự án Mở rộng đường Bà Triệu (TP. Đông Hà), đoạn từ cầu đường sắt Bắc Nam lên phía đập ngăn mặn sông Hiếu (đang “tắc” giải phóng mặt bằng); công trình đường Lê Thánh Tông đoạn Lê Lợi - Hùng Vương (thuộc Dự án Phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê-kông)...
Tại một số dự án khởi công mới, tình hình giải ngân cũng không khả quan hơn. Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị (vốn đầu tư 2.074 tỷ đồng), Dự án Khu bến cảng CFG Nam Cửa Việt (vốn đầu tư 530 tỷ đồng), Dự án Kho xăng dầu Việt Lào (vốn đầu tư gần 470 tỷ đồng)… đều đang vướng giải phóng mặt bằng, khiến tiến độ triển khai bị chậm.
Tỉnh Quảng Trị cho biết, đến thời điểm này, có tới 13 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của tỉnh; 52 dự án của 13 sở, ngành và 9 địa phương được giao kế hoạch vốn năm 2022 có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch, đặc biệt, có nhiều dự án chưa giải ngân.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng năm 2022 đạt 52,43% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân mới đạt 58,33%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (63,86%).
Hiện vẫn còn 27 bộ và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50% (trong đó, có 12 bộ và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%), như: TP.HCM (hơn 25%); Hà Giang (31,4%); Cao Bằng (32,6%); Quảng Trị (hơn 40%); Hòa Bình (44,8%).
Theo phản ánh của các huyện/thị xã/thành phố của tỉnh Quảng Trị, nguyên nhân giải ngân chậm là do cơ chế, chính sách hiện hành còn bất cập, đặc biệt trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường. Đơn cử, việc xác định giá đất phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đất rất khó khăn do chưa có quy định cụ thể, dẫn tới khó huy động nguồn thu từ tiền sử dụng đất cho đầu tư công, cũng như trong xác định giá để đền bù…
Được UBND tỉnh giao thực hiện 80 dự án, tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, nhưng đến nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị mới thực hiện giải ngân vốn được trên 20% tổng giá trị. Hàng loạt dự án, công trình trọng điểm đều chậm tiến độ.
Đơn cử, Dự án Đường nối cầu An Mô vào Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tại huyện Triệu Phong, dài khoảng 6 km, nhiều lần điều chỉnh triển khai, nhưng 6 năm nay vẫn chưa hoàn thành. Một năm qua, Dự án chỉ làm được vài hạng mục rồi đứng yên vì vướng mặt bằng. Người dân trong diện giải tỏa cho rằng, giá đền bù quá thấp, nên chưa đồng thuận để bàn giao.
Cuộc đua giải ngân khó cán đích
Tính đến cuối tháng 11/2022, tổng giá trị giải ngân các nguồn vốn đầu tư công do tỉnh Quảng Trị quản lý năm 2022 là hơn 1.558 tỷ đồng, đạt 45,7% kế hoạch tỉnh giao và đạt 53% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm. Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân đạt thấp chủ yếu do vướng giải phóng mặt bằng, thiếu hụt nghiêm trọng nguồn đất đắp và đất san nền. Một số nhà thầu thi công cầm chừng do giá cả nguyên vật liệu nhiều biến động, thay đổi chính sách và quy định của Nhà nước; quy trình thực hiện, giải ngân vốn kéo dài…
Đáng chú ý, đa số các công trình dân dụng không có vướng mắc (kể cả công tác giải phóng mặt bằng) nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn đạt thấp, thậm chí chưa giải ngân vốn, trong khi đó, chủ đầu tư cũng chưa có biện pháp kịp thời.
Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị, Sở đã đề xuất UBND tỉnh điều hòa kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt, cần bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đây là giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân chung của tỉnh, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư…
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, để “gỡ vướng” và đẩy nhanh tiến độ các dự án, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác giám sát và xử lý các điểm nghẽn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Cụ thể, các chủ đầu tư có số vốn kế hoạch năm 2022 lớn đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hồ sơ, thủ tục để đấu thầu, trao thầu, tạm ứng vốn nhằm giải tỏa áp lực giải ngân của toàn tỉnh. Đối với các công trình, dự án đã có khối lượng, chủ đầu tư cần tiến hành làm việc với Kho bạc Nhà nước để thanh toán, không để dồn thanh toán vào cuối năm.
UBND tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu các thành viên UBND tỉnh chịu trách nhiệm nếu để các dự án thuộc các lĩnh vực, ngành mình phụ trách chậm tiến độ giải ngân; lãnh đạo các sở, ngành và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cần cam kết hoàn thành việc giải ngân hết vốn.