Ngày 15/4, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến cho biết lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Quảng Trị vừa có cuộc làm việc với Tổng cục Đường bộ Việt Nam về công tác giải phóng mặt bằng Dự án Nâng cấp Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1.
Cụ thể, Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 sử dụng vốn dư Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam, vay vốn từ Ngân hàng Thế giới, thời gian thực hiện 2021 – 2022.
Tuyến đường có tổng chiều dài 13,8 km; điểm đầu tại cảng Cửa Việt, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, điểm cuối giao với Quốc lộ 1 tại xã Thanh An, huyện Cam Lộ. Quy mô nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng, quy mô 4 làn xe và có thời gian thực hiện từ 2021 – 2022.
Dự án có tổng mức đầu tư lên tới 19,5 triệu USD đã khởi công vào ngày 21/3 với mục tiêu nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 ở Quảng Trị. |
Tổng mức đầu tư Dự án là 19,05 triệu USD, tương đương 440,38 tỷ đồng, trong đó, từ vốn vay IDA dư của WB là 16,75 triệu USD, tương đương 387,31 tỷ đồng (từ nguồn vốn IDA dư của Dự án VRAMP) và vốn đối ứng là 53,07 tỷ đồng, tương đương 2,3 triệu USD (từ nguồn vốn đối ứng dư của Dự án VRAMP).
Trong đó, kinh phí dự kiến để giải phóng mặt bằng hơn 75 tỷ đồng; diện tích bị ảnh hưởng khoảng 512.527 m2 với 807 hộ dân.
Trong tháng 1 và 2/2022, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các huyện Gio Linh, Cam Lộ và TP. Đông Hà tổ chức kiểm kê tài sản, đạt 70% khối lượng công việc.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện do phạm vi giải phóng mặt bằng lớn (cọc giải phóng mặt bằng cắm từ 35 – 45 m, trong khi đó chủ trương HĐND tỉnh duyệt 28 m), vì vậy, dự kiến kinh phí dành cho hoạt động này sẽ tăng hơn nhiều so với tổng mức ban đầu.
Trước lý do này, ngày 7/4/2022, UBND tỉnh Quảng Trị đã có Văn bản số 1487/UBND-KT gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị điều chỉnh tim tuyến đường đoạn qua các khu đông dân cư bám theo tim đường cũ với mục tiêu phạm vi giải phóng mặt bằng đúng theo chủ trương đã được HĐND tỉnh này phê duyệt.
Cũng theo báo cáo từ Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Trị, kể từ khi có chủ trương điều chỉnh giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 đến nay, đơn vị đã tích cực phối hợp với các huyện Gio Linh, Cam Lộ và TP. Đông Hà và đã hoàn thành cắm cọc phục vụ giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 (13,8 km), đo đạc lại thu hồi đất cho toàn tuyến, điều chỉnh thông báo thu hồi đất, ký quy chủ và xác định nguồn gốc đất.
Tổng kinh phí giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 dự kiến 335,486 tỷ đồng (theo cọc cắm từ 35 – 45m) và khoảng 286,158 tỷ đồng khi giá đất bồi thường lấy theo Quyết định số 49/2019/QĐ-UBND ngày 20/12/2019.
Kinh phí này được cơ quan chức năng tính toán là tăng lên thêm 20% nhân với hệ số giá đất cụ thể tăng bình quân 5 lần; khoảng 167,319 tỷ đồng khi giá đất bồi thường lấy theo Quyết định số 49/2019/QĐ-UBND ngày 20/12/2019.
Trong đó, diện tích đất bị ảnh hưởng giai đoạn 1 là 452.206 m2/1.133 thửa; tổng số hộ dân bị ảnh hưởng 877 hộ; tổng số nhà bị ảnh hưởng (nhà 1 tầng trở lên) 66 nhà; số nhà tái định cư là 20 nhà.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đề nghị, trong quá trình giải phóng mặt bằng, các đơn vị liên quan cần tính toán được quy mô hướng tuyến để phù hợp với kế hoạch đầu tư, đáp ứng hài hòa mục tiêu dự án và công tác giải phóng mặt bằng trên tuyến.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông - Vận tải, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, các huyện Gio Linh, Cam Lộ và TP. Đông Hà sớm hoàn tất công tác kiểm kê, áp giá.
“Phải có thống kê số liệu và đơn giá cụ thể cho từng loại đất, hạng mục phải GPMB; đẩy mạnh tuyên truyền về công tác GPMB. Không để xảy ra khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến công tác GPMB”, ông Võ Văn Hưng cho hay.
Trước đó, ngày 21/3 tại xã Thanh An (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị), Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ động thổ dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các đơn vị liên quan xem xét điều chỉnh công tác GPMB theo hướng hạn chế thấp nhất tổng mức bồi thường.
Quảng Trị cũng yêu cầu có phương án kỹ thuật tối ưu để có thể thực hiện mở rộng một số cây cầu cũ về 2 phía trong trường hợp không nhất thiết phải xây cầu mới; ưu tiên bám theo dự án đã được phê duyệt là 28 m. Đồng thời khẳng định, tỉnh Quảng Trị sẽ tập trung mọi nguồn lực, đưa ra các giải pháp tốt nhất để dự án triển khai và hoàn thiện theo đúng kế hoạch đề ra.
Yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh sớm xây dựng bảng giá đất theo hướng tăng lên 20% để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt, ban hành.
Địa phương cũng mong muốn Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường kết nối với UBND tỉnh để kịp thời giải quyết các vấn đề, nội dung công việc trong quá trình triển khai thực hiện dự án, ông Quang cho hay.