Đầu tư
Quảng Trị: Tăng cường thu hút đầu tư để phát huy tiềm năng, thế mạnh
Ngọc Tân - 05/07/2024 08:50
Thời gian tới, Quảng Trị sẽ tập trung các nguồn lực để phát triển các ngành, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, đồng thời, tích cực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh. Đó là chia sẻ của ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị.
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị.

Thông điệp của tỉnh Quảng Trị tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là gì, thưa ông?

Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 không chỉ là sự kiện công bố các thông tin quan trọng về Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mà còn là diễn đàn quan trọng để giao lưu, gặp gỡ, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Quảng Trị.

Thông qua hội nghị này, tỉnh Quảng Trị mong muốn truyền tải thông điệp tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, hướng đến mục tiêu thu hút các nhà đầu tư, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Thưa ông, Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo?

Có thể nói, Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 không chỉ đóng vai trò định hướng tổ chức không gian, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các yếu tố, nguồn lực, mà còn tạo ra khung pháp lý để định hướng và hoạch định các chính sách phát triển cho tất cả các ngành, lĩnh vực của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.

Với một tầm nhìn dài hạn, Quy hoạch sẽ giúp Quảng Trị có thể phát huy các tiềm năng, thế mạnh, dư địa phát triển, biến bất lợi thành lợi thế để đưa Quảng Trị sớm trở thành một tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Vậy Quy hoạch đã hoạch định những quan điểm, đường lối và mục tiêu phát triển trọng tâm nào đối với sự phát triển của tỉnh, thưa ông?

Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định định hướng phát triển của tỉnh là phát triển theo hướng “xanh và bền vững”, phù hợp với đặc điểm tự nhiên và bối cảnh phát triển của tỉnh; bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; thu hút nguồn lực từ bên ngoài kết hợp với phát huy nội lực cho đầu tư phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực được xác định trọng điểm và đột phá.

Phát huy vị trí trung tâm liên kết nội vùng khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ với ngoại vùng theo hướng Đông - Tây và Bắc - Nam; tăng cường liên kết giữa các tiểu vùng trong tỉnh, tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là các dự án có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển; tăng cường liên kết với các tỉnh trong vùng và quốc tế.

Quảng Trị đang từng bước mở rộng và phát triển vùng không gian ven biển. Trong ảnh: khu vực biển Cửa Tùng  (Ảnh: ipa Quảng Trị)

Phát triển hài hòa, toàn diện, tổng thể, bao trùm các lĩnh vực văn hoá, xã hội, gắn với bảo tồn giá trị di sản, văn hóa, lịch sử; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo bền vững. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; xây dựng đường biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển với nước bạn Lào; chủ động hội nhập quốc tế.

Về mục tiêu tổng quát, Quảng Trị đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành địa phương có trình độ phát triển thuộc nhóm khá của cả nước, có cơ cấu kinh tế cơ bản là một tỉnh công nghiệp - dịch vụ; là một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, Tiểu vùng sông Mekong (GMS).

Về mục tiêu cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 8,2%/năm; GRDP bình quân đầu người người đạt 140 - 170 triệu đồng/người/năm; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cả giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 434.000 tỷ đồng; thuộc nhóm khá của cả nước về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)…

Về phát triển hạ tầng, tỉnh sẽ phát triển đủ 5 loại hình giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và đường hàng không); xây dựng và nâng cấp các tuyến đường kết nối TP. Đông Hà, thị xã Quảng Trị và các huyện với đường bộ cao tốc Bắc - Nam và các tuyến giao thông quốc gia.

Hoàn thiện và đưa vào vận hành các nhà máy điện khí và các nguồn năng lượng sạch đã được phê duyệt trong quy hoạch. Hoàn thành xây dựng nền tảng, các mục tiêu của chính quyền điện tử, ưu tiên các lĩnh vực trọng điểm như giáo dục, y tế, nông nghiệp, du lịch…

Phát huy có hiệu quả vai trò là điểm đầu của phía Việt Nam trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây; đảm bảo đường biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Để đạt được các mục tiêu dài hạn đó, Quảng Trị xác định các “khâu đột phá” nào để kích hoạt các nguồn lực, tiềm năng?

Để có thể hoàn thành các mục tiêu đã đề ra tại Quy hoạch, Quảng Trị đã xác định 3 “khâu đột phá”.

Một là, tập trung huy động đa dạng hóa các nguồn lực thực hiện các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ.

Hai là, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh năng động của khu vực Bắc Trung bộ. Thực hiện chuyển đổi số ở cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, gắn kết với cải cách hành chính và đô thị thông minh, đổi mới quản trị theo hướng hiện đại.

Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ứng dụng nền tảng trí tuệ nhân tạo trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số an toàn, rộng khắp. Tạo môi trường sinh sống và làm việc hấp dẫn nhằm thu hút nhân tài trong và ngoài nước.

Về các nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh Quảng Trị xác định tập trung nguồn lực, tranh thủ thời cơ để phát triển các ngành, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm và trụ cột. Đó là xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng sạch của miền Trung; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng kết cấu hạ tầng logistics chất lượng và hiệu quả; phát triển công nghiệp chế biến - chế tạo ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao; phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sinh thái, hữu cơ.

Đồng thời, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, phục hồi sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học, kết hợp khai thác, phát huy các giá trị sinh thái đặc thù. Phát triển bao trùm, tạo điều kiện để mọi tầng lớp nhân dân có cơ hội tham gia và hưởng lợi từ thành quả phát triển, thực hiện công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội.

Có thể nói, trong định hướng phát triển lâu dài của tỉnh Quảng Trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ đóng vai trò rất quan trọng nhằm đưa Quảng Trị trở thành địa phương thuộc nhóm khá của cả nước. Vậy thông qua hội nghị lần này, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị muốn gửi gắm điều gì đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp, thưa ông?

Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt không chỉ định hướng và hoạch định các chính sách phát triển tất cả các ngành, lĩnh vực của tỉnh, mà còn chỉ ra cho các nhà đầu tư những lĩnh vực tỉnh Quảng Trị sẽ ưu tiên phát triển, ưu tiên thu hút đầu tư trong thời gian tới. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể nghiên cứu và quyết định đầu tư vào Quảng Trị.

Ở chiều ngược lại, chúng tôi nhận thức rằng, cộng đồng doanh nghiệp phát triển, thì Quảng Trị sẽ phát triển. Do vậy, tỉnh Quảng Trị sẽ luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, sẵn sàng tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong suốt quá trình đầu tư, kinh doanh tại tỉnh.n

Tin liên quan
Tin khác