Hai dự án chỉnh trang đô thị
Trước tiên, hãy cùng tìm hiểu về mảng kinh doanh của BIDGROUP tại Thái Bình.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Thái Bình, BIDGROUP đang thực hiện hai dự án.
Một là xây dựng toà nhà hỗn hợp 15 tầng, nằm trong dự án đầu tư xây dựng, chỉnh trang khu tập thể 4 - 5 tầng (phường Lê Hồng Phong, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình - theo hình thức hợp đồng BT ký giữa tỉnh và doanh nghiệp) và dự án Khu nhà ở thương mại Lê Hồng Phong - Eden Garden.
Dự án toà nhà hỗn hợp 15 tầng đã hoàn thiện và bàn giao cho cư dân. |
Với hợp đồng BT, BIDGROUP được giao xây dựng tòa nhà hỗn hợp 15 tầng, trên khu đất có diện tích 4.967 m2. Toà nhà gồm 372 căn hộ, trong đó, có 263 căn tái định cư, 109 căn khai thác thương mại. Đến nay, phía BIDGROUP đã thi công xong, đã được nghiệm thu PCCC, đã được Cục Giám định nghiệm thu đưa vào sử dụng. Doanh nghiệp đã bàn giao cho các hộ dân tái định cư về ở và hiện nay đang thực hiện quyết toán. Với hợp đồng này, doanh nghiệp đã góp phần cùng tỉnh thực hiện tốt công tác chỉnh trang đô thị, mang đến một môi trường sống tốt, chất lượng, văn minh hơn cho những người dân thuộc diện tái định cư tại TP. Thái Bình.
Với Eden Garden, dự án có quy mô 3 khối nhà: 1 khối 25 tầng, 2 khối nhà 30 tầng, hai khu nhà liền kề, nhà tái định cư, xây dựng trên khu đất có diện tích 9.407,4m2. Mục tiêu của dự án là tạo nguồn thu từ giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán cho hợp đồng BT nói trên.
Như vậy, không khó để nhận thấy, hai dự án được BIDGROUP triển khai nằm trong kế hoạch phát triển, chỉnh trang đô thị của tỉnh Thái Bình, mang đến không gian sống mới, hiện đại, văn minh hơn cho thành phố. Đến nay, ngoài hợp đồng BT đã hoàn thiện, dự án Eden Garden cũng đang xây dựng đến tầng 20 và có thể đi vào vận hành thời gian tới.
Tuy nhiên, dường như câu chuyện cưỡng chế thuế đã khiến kế hoạch này bị ảnh hưởng. Và theo tìm hiểu của phóng viên, câu chuyện hợp tác của BIDGROUP và địa phương đang gặp phải không ít thách thức.
Người trong cuộc lên tiếng
Trước việc bị cưỡng chế thuế sau nhiều năm gắn bó cùng quê lúa, phóng viên đã liên hệ với ông Trần Văn Mạnh, Chủ tịch BIDGROUP để làm rõ các vấn đề liên quan.
Ông Mạnh cho hay, nguyên nhân doanh nghiệp chậm nộp thuế, dẫn đến bị cưỡng chế là bởi với hợp đồng BT, doanh nghiệp được giao đất và thời điểm tính tiền sử dụng đất cách nhau đến 1 năm 8 tháng. Đây là lý do chính dẫn đến tiền sử dụng đất quá cao: 187 tỷ đồng/4.967 m2 sàn, tương đương 37,6 triệu/m2 căn hộ và giá thành sản phẩm sẽ lớn hơn 40 triệu/m2 (tiền sử dụng đất + chi phí xây dựng) trong khi đây chỉ là dự án tái định cư.
Dự án Eden Garden đang được triển khai bình thường. |
Còn với dự án đối ứng Eden Garden, doanh nghiệp không những bị bàn giao đất chậm, mà cách áp bảng giá đất cũng bất hợp lý. Theo Quyết định số 25/QĐ-UBND, ngày 20/8/2021, chi phí giải phóng mặt bằng và quyền sử dụng đất là gần 221 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, theo thông báo về tiền sử dụng đất được đưa ra lên đến trên 720 tỷ đồng, cao hơn nhiều lần dự toán chi phí, dẫn đến những khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thu xếp dòng tiền.
Ông Mạnh cho rằng, sự bất hợp lý trong tính tiền sử dụng đất với cả hai dự án nói trên của địa phương đã nằm ngoài các dự liệu, kế hoạch của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp trở tay không kịp, hoàn toàn khác với các kế hoạch đầu tư dự án đã đề ra trước đó. Tuy vậy, đến nay, BIDGROUP đã nộp được 452/720 tỷ tiền sử dụng đất của dự án Eden Garden.
Chủ tịch BIDGROUP cũng cho biết, doanh nghiệp đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên các cấp quản lý tại địa phương nhưng vẫn chưa được giải quyết. Đặc biệt là với tiền sử dụng đất với dự án nhà tái định cư. Trước việc bị cưỡng chế thuế, ông Mạnh khẳng định, nếu phía địa phương thực hiện đúng các quy định về hợp đồng BT, tính tiền sử dụng đất đúng thời điểm giao đất thì đến nay doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.