Thời sự
Quốc hội thảo luận các điểm nóng kinh tế
Mạnh Bôn - 21/10/2013 07:50
“Kỳ họp thứ 6 lần này, Quốc hội sẽ nghe báo cáo và thảo luận tại Hội trường, cũng như tại tổ nội dung liên quan đến kinh tế và ngân sách tại nhiều thời điểm khác nhau, để các đại biểu có thời gian thảo luận kỹ hơn về kinh tế”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn.

Thưa ông, tại các kỳ họp Quốc hội trước đây, nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước thường được thảo luận cùng một thời điểm. Vì sao lần này lại tách ra nhiều thời điểm khác nhau?

Khác với những kỳ họp trước, nội dung liên quan đến KTXH và ngân sách nhà nước không nặng lắm, thường chỉ có 4 báo cáo, trong đó 2 báo cáo về KTXH và 2 báo cáo về ngân sách nhà nước do Chính phủ trình và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thẩm tra.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc

Kỳ họp này, vấn đề liên quan đến kinh tế và ngân sách rất nặng nề, nếu thảo luận ở Hội trường và tại tổ cùng một thời gian, các đại biểu không đủ thời gian thảo luận, hoặc thảo luận phân tán, thiếu tập trung vào trọng tâm, trọng điểm.

Thực tế cho thấy, nếu cùng thảo luận 2 vấn đề này, thì nhiều đại biểu thường thiên về mổ xẻ, phân tích những bất cập, hạn chế liên quan đến lĩnh vực xã hội, hơn là kinh tế và ngân sách, trong khi những hạn chế, bất cập trong nền kinh tế, cũng như cân đối ngân sách cần phải được phân tích, mổ xẻ, thảo luận rất kỹ để hoàn thành Kế hoạch Phát triển KTXH 5 năm 2011-2015.

Vì vậy lần này, Văn phòng Quốc hội kiến nghị và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận tách 2 nội dung này để Chính phủ trình báo cáo, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách trình báo cáo thẩm tra ở 2 thời điểm khác nhau, các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận tại Hội trường và tại tổ tại 2 thời điểm khác nhau.

Nội dung liên quan đến kinh tế và ngân sách nặng ở những điểm nào, thưa ông?

Ngoài 4 báo cáo như các kỳ họp trước, kỳ này, các đại biểu Quốc hội phải tập trung thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH 5 năm (2011-2015), Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; tình hình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, phát hành bổ sung vốn trái phiếu chính phủ cho một số dự án quan trọng, cấp bách, trong đó có Dự án Mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên.

Theo ông, các đại biểu Quốc hội sẽ tập trung thảo luận những vấn đề gì xoay quanh 2 nội dung trên?

Tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch đặt ra và thấp xa so với mục tiêu của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2011-2015 (6,5-7%/năm); tổng vốn đầu tư toàn xã hội cũng không đạt mục tiêu và thấp xa so với kế hoạch (33,5-35% GDP); bội chi ngân sách đang đứng trước áp lực không thể giảm xuống còn 4,5% GDP (tính cả vốn trái phiếu chính phủ) vào năm 2015; hoạt động sản xuất - kinh doanh của cả nền kinh tế, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp trong nước cũng hết sức khó khăn; thu ngân sách đứng trước nguy cơ không hoàn thành dự toán…

Tất cả những nội dung này được nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm, nên sẽ tập trung thảo luận, phân tích, mổ xẻ thật kỹ để tìm ra nguyên nhân, giải pháp khắc phục. Bởi nếu các mục tiêu này mà thấp xa so với dự toán, thì các mục tiêu khác về xã hội giải quyết việc làm, an sinh xã hội, giảm nghèo… rất khó hoàn thành.

Hy vọng, sau khi thảo luận, Quốc hội sẽ định hình được chỉ tiêu nào trong Kế hoạch Phát triển KTXH giai đoạn 2011-2015 có thể đạt và vượt kế hoạch; chỉ tiêu nào không đạt được, vì sao không đạt và tìm ra được được các giải pháp phù hợp để triển khai trong năm 2014 và 2015 với mục tiêu đặt ra là phải đạt chỉ tiêu ở mức độ cao nhất.

Mặc dù cân đối ngân sách nhà nước năm nay “rất căng”, nhưng vẫn cần công khai, minh bạch để cử tri biết và thực hiện giám sát. Vì sao, ngân sách năm 2013 không được công khai, minh bạch?

Vấn đề tài chính - ngân sách đương nhiên phải minh bạch, công khai, càng công khai bao nhiêu, minh bạch bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu, vì tăng được sự giám sát hoạt động thu - chi ngân sách nhà nước của cử tri. N

hưng công khai vào lúc nào, công khai đến đâu, công khai ở mức độ nào, phải có quy định cụ thể, bởi tài chính vốn là lĩnh vực rất nhạy cảm. Không phải ở Việt Nam, mà quốc hội, ủy ban của quốc hội các nước trên thế giới cũng vậy, không phải bất cứ số liệu nào về tài chính, ngân sách cũng được công bố ngay tới xã hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Vì vậy, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa công bố ngay tất cả các con số liên quan đến thu, chi ngân sách cũng là bình thường.

Tôi cho rằng, các số liệu về thu chi ngân sách của Việt Nam được Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan… và Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Tài chính - Ngân sách công bố khá kịp thời, minh bạch.

Cụ thể, còn hơn 2 tháng nữa mới kết thúc năm 2013, nhưng Ủy ban Kinh tế cũng đã công khai con số dự kiến hụt thu ngân sách năm nay là 21.000 tỷ đồng, nếu trừ đi các khoản ghi thu ngân sách nhà nước ngoài dự toán, thì hụt thu lên tới 59.430 tỷ đồng.

Tin liên quan
Tin khác