- Doanh nghiệp thứ cấp trong khu công nghiệp tại Đà Nẵng: Mỏi mòn chờ được cấp sổ đỏ
- Đề xuất đầu tư 9.045 tỷ đồng di dời ga đường sắt Đà Nẵng; 1.458 tỷ đồng nâng cấp Quốc lộ 15D
- Những điểm "nghẽn" trong giải phóng mặt bằng dự án cao tốc hơn 2.100 tỷ đồng ở Đà Nẵng
- Đề xuất đầu tư 9.045 tỷ đồng cho Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng
Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng vừa thông tin về thực trạng Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14B, TP. Đà Nẵng.
Theo đó, do lịch sử để lại nên tuyến đường Quốc lộ này không có vỉa hè, tại thời điểm xây dựng hoàn thành tuyến đường vào năm 2005.
Các hộ dân sống hai bên đường bị chênh lệch cao trình từ 0,5 - 4,0m. Để tiếp cận đường, các chủ hộ phải đổ đất nâng nền. Hơn nữa, hầu hết các hộ sống 2 bên đường đều kinh doanh buôn bán.
Vì vậy, các hộ xây dựng cơi nới trên phần diện tích đã thu hồi, đền bù tuyến Quốc lộ 14B cũ và trên phần diện tích hành lang an toàn giao thông để kinh doanh buôn bán.
Để giải quyết vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng đã phối hợp với UBND huyện Hòa Vang và các đơn vị tổ chức cuộc họp.
Trên cơ sở thống nhất tại cuộc họp, ngày 15/7/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà nẵng đã báo cáo UBND Thành phố và đề nghị UBND Thành phố thống nhất chủ trương hỗ trợ tháo dỡ, di dời tương đương 20% giá trị tài sản được bồi thường.
Trước đó, tháng 6/2022, Bộ GTVT đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14B, TP. Đà Nẵng.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 7,55km với điểm đầu tại Km24+633, thuộc địa phận xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng; điểm cuối tại khoảng Km32+185, thuộc địa phận xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng.
Đây là tuyến đường trục chính đô thị, cấp đô thị, vận tốc thiết kế 80km/h với quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.
Tuyến đường thuộc dự án sẽ bám theo đường hiện trạng có cải nắn cục bộ để đảm bảo yếu tố hình học theo cấp đường và tuân thủ quy hoạch chung xây dựng các khu đô thị và vùng phụ cận. Bề rộng nền đường là 34 m gồm 4 làn xe cơ giới có mặt đường rộng 15m; bề rộng mặt đường làn thô sơ, xe máy 6m; bề rộng dải phân cách giữa 3 m; bề rộng vỉa hè 10m.
Phần cầu trên tuyến được tận dụng toàn bộ, mở rộng thêm để đồng bộ với bề rộng đường 34m; tổng số cầu mở rộng dự kiến là 4 cầu.
Tổng mức đầu tư Dự án là 788,71 tỷ đồng trong đó Ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT là 430,745 tỷ đồng (bố trí vốn đầu tư 4 làn xe với bề rộng nền đường 20,5m); ngân sách của TP. Đà Nẵng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, mức vốn khoảng 357,965 tỷ đồng (bố trí vốn đầu tư phần mở rộng lên 6 làn xe, bề rộng nền đường lên 34 m). Thời gian thực hiện Dự án dự kiến từ năm 2022 – 2025 với đơn vị chủ đầu tư là Sở GTVT TP. Đà Nẵng.
Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT TP. Đà Nẵng chịu trách nhiệm báo cáo UBND TP. Đà Nẵng để cân đối, bố trí đủ vốn theo đúng cam kết và phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong tổ chức thực hiện, bảo đảm hoàn thành Dự án theo đúng tiến độ; phối hợp các bên liên quan tiếp tục chuẩn xác nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương tham gia thực hiện dự án; đồng thời đề xuất phương án, cơ chế góp vốn khi có sự thay đổi chi phí đầu tư cũng như việc bố trí, giải ngân vốn để triển khai Dự án thuận lợi.
Quốc lộ 14B nối từ cảng Tiên Sa đến QL1A, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và đường Hồ Chí Minh dài khoảng 74km là tuyến đường phục vụ nhân dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông, lâm sản phục vụ các dự án đầu tư trên địa bàn Vùng kinh tế trọng điểm Liên Chiểu - Dung Quất, vùng kinh tế chiến lược Tây Nguyên; đây là tuyến quốc lộ kết nối trực tiếp với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để đáp ứng nhu cầu liên kết vùng động lực kinh tế miền Trung.
Đoạn tuyến Quốc lộ 14B còn lại địa bàn TP. Đà Nẵng được đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm tai nạn giao thông trên QL14B đoạn từ cầu Túy Loan đến ngã ba Đại Hiệp, từng bước hoàn thiện quy hoạch phê duyệt.
Việc nâng cấp, mở rộng đoạn tuyến nhằm đồng bộ với quy mô đoạn tuyến đã đầu tư, tránh tình trạng “nút thắt cổ chai” trong địa bàn thành phố Đà Nẵng, đáp ứng lưu lượng giao thông tại thời điểm hiện tại và thời gian đến, đảm bảo giao thông thông suốt, giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông. Vì vậy, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14B đoạn qua TP. Đà Nẵng theo quy hoạch để giải quyết điểm nghẽn giao thông giai đoạn 2021 - 2025 là cần thiết.