Doanh nghiệp
Quý I/2022: Doanh nghiệp phân bón lãi tăng gấp 5-10 lần cùng kỳ
H.T - 14/04/2022 12:22
Lợi nhuận trước thuế quý I/2022 của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ tăng gấp 5-10 lần so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhờ giá bán bình quân tăng mạnh.

Hưởng lợi nhờ giá cả tăng mạnh, lợi nhuận quý I/2022 của nhiều doanh nghiệp phân bón tăng trưởng hết sức tích cực. Cổ phiếu ngành phân bón cũng dậy sóng trong phiên giao dịch sáng nay.

Tập đoàn hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) cho biết, lợi nhuận quý I /2022 của Công ty ước đạt 1.500 tỷ đồng, vượt 7,1% so với con số 1.400 tỷ đồng của quý IV/2021 và gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước (292 tỷ đồng). Theo ước tính của SSI Research, năm nay, doanh thu của DGC sẽ tăng 22%, lợi nhuận tăng 25%. Năm ngoái, lợi nhuận của DGC tăng đột biến tới 352%. Trên thị trường, cổ phiếu DGC vừa có phiên tăng trần hôm qua (13/4) và tiếp tục tăng gần kịch trần trong phiên giao dịch sáng nay. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu DGC đã tăng 53%.

Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ chưa công bố kết quả kinh doanh quý I/2022, song theo ước tính của  SSI Research, quý I năm nay, lợi nhuận trước thuế của Đạm Cà Mau đạt 1.000 tỷ đồng, tăng 6,6% và lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ đạt 1.800 tỷ đồng LNST (tăng 10 lần so với cùng kỳ), chủ yếu nhờ giá bán bình quân tăng mạnh.

Trên thị trường chứng khoán sáng nay, cổ phiếu DPM và DCM lần lượt tăng 5% và 6,6%.

Năm 2021, thị trường hàng hóa thế giới nói chung và phân bón nói riêng tăng mạnh. Từ đầu năm đến nay, cuộc chiến Nga – Ukraine càng đẩy giá phân bón lên cao do Nga - một trong những cường quốc xuất khẩu phân bón lớn – bị trừng phát kinh tế. Chính vì vậy, các doanh nghiệp phân bón trong nước tiếp tục được hưởng lợi.

Năm nay, DCM đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất năm 2022 là 9.049 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 513 tỷ đồng, tương ứng lần lượt giảm 10% và giảm 72% so với năm 2021. Kế hoạch thận trọng này là do DCM lo ngại căng thẳng Nga – Ukraine tiếp tục tác động tiêu cực đến thị trường tài chính toàn cầu, giá dầu và cước vận chuyển tăng, nguồn cung khan hiếm...

Tuy nhiên, theo dự báo của SSI, năm nay, doanh thu DCM sẽ tăng 31%, lợi nhuận tăng 40% (năm ngoái doanh thu và lợi nhuận của DCM tăng lần lượt 31% và 190%).  

Theo kế hoạch, năm 2022, DCM sẽ hoàn thiện các dự án chuyển tiếp trong năm 2022 gồm: hạng mục cải hoán và cung cấp CO2 thô, trung tâm nghiên cứu phát triển và dự án sản xuất phân bón phức hợp từ urê nóng chảy 300.000 tấn/năm. Đồng thời để đảm bảo việc mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ cho định hướng phát triển lâu dài, Đạm Cà Mau cũng lên kế hoạch đầu tư kho đầu mối Long An, nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, nhà máy khí hóa than và trụ sở trạm liên lạc tại TP HCM trong năm nay.

Với DPM,  SSI Research cũng dự báo, doanh thu và lợi nhuận DPM năm nay sẽ tăng lần lượt 22% và 25% (năm ngoái tăng 65% và  352%). Trươc đó, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng dự báo DPM sẽ có kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2022 và có thể kéo dài đến quý II//2022 nhờ yếu tố thiếu hụt nguồn cung Ure trong ngắn hạn theo diễn biến căng thẳng của Nga – Ukraine, dẫn đến giá phân bón duy trì cao.  

Mặc dù triển vọng ngành phân bón rất sáng sủa, song các chuyên gia phân tích cũng khuyến cáo nhà đầu tư mua cổ phiếu phân bón phải theo dõi sát sao diễn biến giá phân bón liên quan đến các biến động địa chính trị xoay quanh cuộc chiến Nga – Ukraine. Trong trường hợp có thay đổi theo chiều hướng tích cực từ hoạt động xuất khẩu của Nga, giá phân bón thế giới có thể quay đầu giảm mạnh. Bên cạnh đó, việc hạn chế xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung phân bón trong nước cũng là rủi ro tiềm ẩn với hoạt động kinh doanh của Công ty.

Tin liên quan
Tin khác