Quỹ bình ổn xăng dầu tính đến 31/7/2023 còn dư hơn 7.400 tỷ đồng. |
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay được liên Bộ Công thương - Tài chính điều hành nhất quán, phù hợp với diễn biến giá thế giới.
Số dư Quỹ bình ổn xăng dầu tính đến 31/7 còn hơn 7.438 tỷ đồng, tăng hơn 2.800 tỷ đồng so với số dư vào cuối năm ngoái (4.600 tỷ đồng) tăng 1.798 tỷ đồng so với số dư cuối quý I/2023 (5.640 tỷ đồng). Do đó, cơ quan điều hành đã dừng trích lập vào quỹ này với các mặt hàng xăng, dầu từ đầu tháng 7 đến nay.
Việc công khai quỹ bình ổn giá xăng dầu là nhằm tiếp tục thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch trong điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 và Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 (sửa đổi, bổ sung) của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính công khai thông tin về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Bộ Tài chính cho biết việc điều hành giá, trích lập và chi Quỹ bình ổn linh hoạt, hợp lý, tạo dư địa để điều chỉnh giá trong nước thời gian tới khi thị trường thế giới vẫn xu hướng phức tạp.
Thống kê sơ bộ từ đầu năm đến nay, số tiền trích lập vào Quỹ bình ổn giá với xăng RON 95-III là hơn 3.200 đồng/lít; E5 RON 92 trên 3.400 đồng/lít. Diesel khoảng 6.900 đồng/lít và dầu hỏa 5.700 đồng/lít. Riêng dầu mazut đã trích 2.700 đồng/kg vào quỹ bình ổn.
Hết tháng 7, xăng dầu trong nước đã qua 21 kỳ điều hành giá. Trong 2 kỳ điều hành gần nhất, hôm 21/7 và 1/8, giá bán lẻ các mặt hàng xăng đã tăng mạnh, khoảng 2.372- 2.466 đồng/lít, tùy loại.
Hôm 1/8, liên Bộ Công thương - Tài chính quyết định tăng giá xăng RON 95-III thêm 1.171 đồng, lên mức 23.963 đồng/lít, xăng E5 RON 92 cũng tăng 1.152 đồng, lên 22.791 đồng/lít, dầu diesel là 20.612 đồng/lít, tăng 1.112 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 20.270 đồng, tăng 1.081 đồng, dầu mazut tăng 806 đồng, giá mới 16.531 đồng/kg.
Giá xăng trong nước đắt thêm 2.372- 2.466 đồng/lít, tùy loại sau hai đợt tăng giá, theo liên Bộ là do diễn biến giá thế giới tăng, trước các yếu tố, như dự trữ dầu đang bắt đầu giảm ở một số khu vực vì nguồn cung bị hạn chế bởi việc cắt giảm sản lượng sâu của nhà lãnh đạo OPEC; kỳ vọng tăng kích cầu ở Trung Quốc đóng vai trò lớn nhất trong đà tăng giá dầu thời gian gần đây...