Điểm danh loạt dự án nghìn tỷ rót vào Long An nửa đầu năm
Bằng chứng hút đầu tư mạnh mẽ của Long An là trong 6 tháng đầu năm nay, hàng loạt dự án vốn đầu tư khủng như: Aeon Mall Tân An 1.000 tỷ đồng, Coca-cola Long An 3.109 tỷ đồng, Nhà máy Pepsi 7.486 tỷ đồng, Nhà máy hoàn thiện sản phẩm dệt Thái Tuấn 12.000 tỷ đồng là những dự án vốn “khủng” được khởi công trên địa bàn.
Khu công nghiệp Xuyên Á được cho là điểm sáng trong hút nhà đầu tư thuê đất tại Long An. |
Ngay từ đầu năm 2024, Coca-Cola đã tiến hành khởi công tiếp dự án nhà máy thứ tư của công ty này tại Long An. Với quy mô khoảng 19 ha, tổng vốn đầu tư 136 triệu USD (tương đương 3.109 tỷ đồng) đây là nhà máy thứ 4 và cũng là nhà máy lớn nhất kể từ khi thương hiệu này đặt chân đến Việt Nam từ năm 1994.
Dự án bao gồm 2 giai đoạn, giai đoạn một từ 2022 đến năm 2027, giai đoạn hai từ 2027 đến 2039. Kết thúc giai đoạn một vào năm 2027. Và dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ cho công suất tối đa 1 tỷ lít sản phẩm mỗi năm.
Một ông lớn ngành nước giải khát khác là Pepsi cũng so kè khi ngày 8/4/2024, Công ty TNHH Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam tổ chức Lễ khởi công xây dựng nhà máy tại KCN Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Đây là nhà máy thứ 6 của Suntory PepsiCo đặt tại Việt Nam và cũng là nhà máy có quy mô lớn và hiện đại nhất của tập đoàn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nhà máy nằm trên diện tích khoảng 20 ha, với tổng vốn đầu tư dự kiến là 300 triệu USD (tương đương 7.486 tỷ đồng). Dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2025 với công suất lên tới 800 triệu lít/năm. Được biết, Suntory PepsiCo đặt nhà máy đầu tiên tại huyện Hóc Môn (TP.HCM), sau đó mở rộng 5 nhà máy khác tại Cần Thơ, Đồng Nai, Quảng Nam, Bắc Ninh và hiện tại là Long An.
Điểm chung của 2 dự án đến từ 2 thương hiệu nước giải khát hàng đầu thế giới là được vận hành bằng năng lượng tái tạo, như nhiên liệu sinh khối và năng lượng mặt trời, giúp giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính xuyên suốt hoạt động sản xuất. Cũng như cho ra đời các sản phẩm có bao bì được làm từ 100% nhựa tái sinh, song hành với việc ứng dụng các sáng kiến nhằm tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên trong sản xuất.
Một dự án “khủng” khác được khởi công tại Long An là, vào tháng 5/2024, Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn cũng đã tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy hoàn thiện sản phẩm dệt diện tích hơn 360.000 m2 tại huyện Đức Hòa với tổng vốn đầu tư trên 12.000 tỷ đồng.
Ngoài nhà máy vừa được khởi công, tại tỉnh Long An, Tập đoàn Thái Tuấn cũng đã đầu tư Dự án Nhà máy giặt ủi và Nhà máy may và Dự án Nhà máy sản xuất vải may mặc (được khởi công vào tháng 6/2022). Việc tiếp tục khởi công xây dựng Nhà máy hoàn thiện sản phẩm dệt Thái Tuấn có thể khẳng định rằng môi trường đầu tư đang thật sự có sự hấp dẫn và đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư lớn tại Long An.
Hay mới đây nhất, Tập đoàn Aeon tại Việt Nam đã rót khoảng 1.000 tỷ đồng xây Aeon Mall Tân An. Đây là trung tâm thương mại thứ 8 của Tập đoàn này tại Việt Nam và là dự án đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án có tổng diện tích khoảng 21.000 m2 dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 8/2025.
Quỹ đất sạch lớn sẽ là lợi thế để hút đầu tư
Thủ tục hành chính cải thiện, minh bạch nguồn cung, quỹ đất, nguồn cung lực lượng lao động, giá thuê nhân công, điều kiện hạ tầng giao thông là những yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến việc lựa chọn địa điểm đầu tư của doanh nghiệp FDI tại Long An. Trong đó, bên cạnh việc quỹ đất sạch tại các KCN thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM dần cạn kiệt, lợi thế quỹ đất lớn sẽ là điểm hút đầu tư đặc biệt của Long An.
“Các tỉnh trọng điểm KCN như Bình Dương, Đồng Nai thậm chí là TP.HCM đang hết quỹ đất sạch. Như vậy sự chuyển dịch sẽ đến với các tỉnh lận cận mà tiềm năng về quỹ đất lớn nhất là các tỉnh ĐBSCL khi mà hệ thống giao thông, hạ tầng khu vực này đang được cải thiện rõ rệt”, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia bất động sản đưa ra nhận định.
Vì thế, lãnh đạo Long An cho biết hiện tỉnh đang nỗ lực đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng trong giai đoạn còn lại của 2024 nhằm kịp thời bổ sung quỹ đất công nghiệp lớn để thu hút đầu tư.
Số liệu từ Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh chỉ rõ, đến hiện tại, toàn tỉnh Long An có 36 KCN được thành lập với tổng diện tích được quy hoạch hơn 9.693 ha. Trong đó, có 26 KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với diện tích quy hoạch 5.982,14 ha, có tỷ lệ lấp đầy đạt 67,8%. Diện tích đất sạch có thể cho thuê là 689 ha, tại các KCN là 120 ha.
Bên cạnh đó, tỉnh có 10 KCN đã được chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, đang triển khai, thực hiện các thủ tục, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng với diện tích 2.887,86ha, gồm: KCN Thủ Thừa, KCN Quốc tế Trường Hải, KCN Thế Kỷ, KCN Nam Tân Tập, KCN Tân Tập, KCN Lộc Giang, KCN Tandoland, KCN Prodezi, KCN Thịnh Phát mở rộng và KCN Phúc Long mở rộng.
Theo khảo sát, hiện giá cho thuê quyền sử dụng đất ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh dao động từ 150 - 250 USD/m2/chu kỳ thuê tùy vào vị trí. Với diện tích đất sạch hiện tại có thể thuê hơn 650 ha và 8 KCN đang triển khai đầu tư hạ tầng với diện tích quy hoạch hơn 2.500 ha trong thời gian tới.
Thông tin từ Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, 6 tháng đầu năm 2024, KCN trên địa bàn tỉnh thu hút 72 dự án mới, trong đó có 55 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) và 17 dự án trong nước (DDI), tổng vốn đầu tư cấp mới lần lượt là 343 triệu USD và 1.131 tỷ đồng (tổng diện tích 19,93 ha).
Lũy kế đến hết tháng 6/2024, các KCN trên địa bàn tỉnh thu hút 1.936 DA, trong đó có 980 dự án FDI và 956 dự án DDI, với tổng vốn đầu tư mới và tăng vốn lần lượt là 6,8 tỷ USD và 140.813 tỷ đồng.