Doanh nghiệp
Quỹ đầu tư “khát” thương vụ lớn
Anh Hoa - 11/05/2018 09:19
Thách thức dành cho quỹ đầu tư tại thị trường Việt Nam là quy mô thương vụ thấp hơn mức mà họ mong muốn.

Hé lộ kế hoạch gây quỹ mới

Việt Nam đang hút một lượng lớn vốn tư nhân từ các quỹ đầu tư tư nhân và đầu tư của các quốc gia trên thế giới là lý do để ACA Investments huy động quỹ đầu tiên trị giá khoảng 100 triệu USD cho thị trường này. Đây là công ty quản lý quỹ của Nhật Bản, thuộc Tập đoàn Sumitomo, chuyên đầu tư vốn cổ phần tư nhân (PE) ở khu vực Đông Nam Á, trong đó thị trường Việt Nam là trung tâm. Vòng gọi vốn này dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 9 và vòng cuối sẽ đóng trong năm tới. Trong đó, các tập đoàn lớn Nhật Bản chiếm khoảng 40% vốn, còn lại là từ các quỹ quốc gia và nhà đầu tư tài chính.

Ông Hiroyuki Ono, Giám đốc Đầu tư ACA Investments cho biết, Quỹ sẽ đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ và hạ tầng. Dự kiến trong thời gian tới, sẽ có 5-6 vụ đầu tư cho các công ty nhỏ và vừa, với mức vốn từ 15 triệu đến 20 triệu USD và có thể lên đến 30 triệu USD. Quỹ cũng sẽ dành 10-15% cho nhóm cổ phiếu đại chúng. Các thương vụ IPO của doanh nghiệp nhà nước không phải là đối tượng Quỹ nhắm tới. Hiện ACA Investments đã phân bổ 40 triệu USD tại Việt Nam với các công ty như: Sơn Kim Land, Cungmua và Công nghệ Việt Thanh (trực thuộc VTV Cable), Bibomart.

Trong khi đó, đối thủ của ACA Investments tại Việt Nam là Mekong Capitlal cũng hé lộ kế hoạch bắt đầu gây quỹ mới Mekong Enterprise Fund IV không lâu sau khi Quỹ Mekong Enterprise Fund III (MEF III) được đầu tư hết vào quý I/2019. Ông Chris Freund, Tổng giám đốc Mekong Capital chưa biết quy mô của quỹ mới sẽ là bao nhiêu, nhưng hy vọng sẽ lớn hơn một chút so với MEF III (112,5 triệu USD).

Ngoài ra, từ năm 2016, VinaCapital cũng lên kế hoạch khởi động quỹ đầu tư mới có liên quan đến công nghệ. Gần đây, VinaCapital đang chuẩn bị kết thúc liên doanh vốn với quỹ đầu tư mạo hiểm DFJ Venture Capital (Mỹ) được thành lập 13 năm trước. Trong năm nay, VinaCapital sẽ khởi động một quỹ đầu tư mới tập trung vào lĩnh vực công nghệ. Các khoản đầu tư chính của DFJ VinaCapital bao gồm tham gia vòng series A trị giá 7 triệu USD vào nhà sản xuất thiết bị bán dẫn Greenvity, Công ty Quảng cáo Chicilon Media và Công ty Truyền thông đa phương tiện Yeah1.

Tổng tài sản VinaCapital hiện quản lý lên đến 1,8 tỷ USD. Ngoài quỹ đầu tư mạo hiểm DFJ VinaCapital, VinaCapital còn có 3 quỹ gồm Vietnam Opportunity Fund, VinaLand Limited và Vietnam Infrastructure Limited. Mới đây, VinaCapital bắt tay với Tập đoàn Maybank Kim Eng đưa 6 doanh nghiệp Việt Nam (Vietjet, HDBank, Eximbank, Coteccons, PNJ và FPT Retail) đến thị trường tài chính London để quảng bá thị trường vốn và các cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp. Sự kiện thu hút gần 100 nhà đầu tư đang quản lý tổng giá trị tài sản hơn 7.000 tỷ USD trên toàn cầu, trong đó có các định chế tài chính lớn thế giới như: JP Morgan, Lazard, Royal Bank of Canada, HSBC và Amundi.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Quy mô thương vụ bị “teo” 

Với nhiều người, dân số gần 100 triệu người Việt Nam được cho là động lực chính để các dòng vốn tìm cách chảy về. Tuy nhiên, với lịch sử và dấu ấn đầu tư vào lĩnh vực tư nhân rất vững chắc tại Việt Nam, ông Chris Freund không nghĩ vậy. 

“Các nước lớn chưa chắc đã thu hút đầu tư hơn các nước nhỏ, điển hình là Trung Quốc so với Singapore. Dân số không phải là một động lực thúc đẩy đầu tư. Những thành tựu ngày càng khả quan của các nhà đầu tư và các thương vụ M&A nổ ra tại Việt Nam những năm qua đang giúp thị trường này hấp dẫn hơn với dòng vốn, khiến chúng tôi không gặp rào cản khi gọi vốn cho quỹ mới”, ông Chris Freund nhận định. 

Bối cảnh đầu tư PE trong nước đang “nóng lên” khi rất nhiều nhà đầu tư trong khu vực và toàn cầu đang tìm kiếm giao dịch khiến việc định giá đang cao hơn.

Theo ông Chris Freund, có nhiều cơ hội đầu tư quy mô nhỏ ở khu vực kinh tế tư nhân hơn là ở khu vực cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Tất nhiên, theo thời gian, dòng vốn đầu tư và M&A sẽ dịch chuyển từ các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa sang lĩnh vực tư nhân, bởi các công ty tư nhân hoạt động hiệu quả và phát triển nhanh hơn. 

Ngày càng nhiều doanh nhân trẻ chấp nhận rủi ro để làm kinh doanh. Họ có đội ngũ nhân sự đồng sáng lập mạnh. Tuy nhiên, thách thức đối với quỹ đầu tư là rất nhiều trong những doanh nghiệp này còn có quy mô nhỏ và non trẻ, lượng vốn họ cần thường ít hơn so với hầu hết mức đầu tư mà các nhà đầu tư tổ chức mong muốn.  

Bối cảnh đầu tư PE trong nước đang “nóng lên” khi rất nhiều nhà đầu tư trong khu vực và toàn cầu đang tìm kiếm giao dịch khiến việc định giá đang cao hơn. Đặc biệt, với một số lĩnh vực phát triển nhanh như thương mại điện tử và bán lẻ, việc định giá các công ty mục tiêu đang tăng rất nhanh, do các start-up đã biết “làm hàng” hơn. Các quỹ đầu tư cũng phải lao vào cuộc cạnh tranh giành giật để có được các khoản đầu tư hợp lý. 

Hiện có hai trường phái đầu tư: chủ động và thụ động. Mục đích của các nhà đầu tư chủ động là tạo giá trị hơn về nhiều mặt cho khoản đầu tư của họ. Còn các nhà đầu tư thụ động không tham gia trực tiếp vào các công ty mà họ đầu tư, mà cố tạo ra các quyết định đầu tư và thoái vốn tốt hơn. 

Ở cục diện chung, các quỹ đầu tư làm ăn lâu dài ở Việt Nam chủ yếu theo trường phái chủ động. Mekong Capital là ví dụ. Quỹ này áp dụng mô hình tạo giá trị đầu tư lấy tầm nhìn làm định hướng. Qua quá trình đầu tư, với các khoản đầu tư thành công, quỹ cho rằng, định hướng tầm nhìn được áp dụng đầy đủ tại các công ty, họ hoạt động rất tốt. Những khoản đầu tư tốt nhất của quỹ này tại Thế giới Di động, Cổng Vàng là những ví dụ điển hình của việc cùng một lúc áp dụng nhiều yếu tố của định hướng tầm nhìn.

Trong khi đó, với ACA Investments, tại hầu hết các công ty mà quỹ này đầu tư, ông Hiroyuki Ono đều là thành viên HĐQT. “Mặc dù không trực tiếp tham gia quản lý, chúng tôi sẽ giúp Công ty đi đúng hướng trong hoạt động IPO, M&A và nhiều hỗ trợ khác”, ông Ono nói và cho biết, Quỹ đang cố gắng tìm kiếm cơ hội tăng trưởng vốn tại Việt Nam và tăng doanh thu qua việc kết nối với mạng lưới của ACA.

Tin liên quan
Tin khác