Được biết, Quỹ đầu tư 500 start-ups vừa thành lập quỹ đầu tư vi mô tại Việt Nam vào tháng 3 vừa qua. Xin ông cho biết chiến lược đầu tư của quỹ là gì?
500 start-ups là quỹ đầu tư mạo hiểm đến từ Silicon Valley, bang California (Mỹ), chuyên rót vốn vào giai đoạn đầu của các start-up toàn cầu. Đến nay, chúng tôi đã đầu tư 250 triệu USD vào 1.600 công ty trên 50 quốc gia, thông qua hệ thống các quỹ vi mô tập trung vào các thị trường hoặc lĩnh vực riêng biệt. Một trong những thương vụ đầu tư sớm nhất của chúng tôi tại Đông Nam Á chính là ứng dụng gọi xe của Malaysia mang tên GrabTaxi.
Ông Khailee Ng, đối tác phụ trách khu vực Đông Nam Á của Quỹ đầu tư 500 start-ups |
Tháng Ba vừa qua, chúng tôi vừa giới thiệu quỹ vi mô dành riêng cho các start-up tại Việt Nam, với tổng vốn 10 triệu USD. Quỹ này sẽ được các đối tác tại Việt Nam của chúng tôi quản lý. Một thương vụ đầu tư sẽ dao động từ 100.000 đến 250.000 USD tùy trường hợp. Hiện nay, tính trong khu vực Silicon Valley, 500 start-ups đang là quỹ đầu tư mạo hiểm, hoạt động tích cực nhất tại thị trường Việt Nam. Chúng tôi hy vọng sẽ phát triển quỹ lớn mạnh hơn nhờ kinh nghiệm học hỏi từ các đàn anh đi trước như IDG Ventures hay DFJ VinaCapital.
Chúng tôi rất hào hứng với thị trường Việt Nam, vì đây là quốc gia có dân số trẻ và thích sử dụng công nghệ - những nền tảng để khuyến khích khởi nghiệp. Thực tế là, trong quá khứ các nhà đầu tư Mỹ từng nghi ngờ về tính khả thi của các start-up Việt Nam. Tuy nhiên, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, họ đã thay đổi quan điểm. Bây giờ nhiều nhà đầu tư Mỹ đã hiểu rằng, nếu họ không sớm đặt chân vào thị trường khởi nghiệp Việt Nam, họ sẽ bỏ lỡ cơ hội rất lớn.
Quỹ 500 start-ups có những yêu cầu gì cho các dự án khởi nghiệp Việt Nam muốn gọi vốn từ quỹ, thưa ông?
Trước hết, chúng tôi luôn tìm kiếm những start-up có khả năng phát triển nhanh. Ví dụ, công ty của bạn phải có tiềm năng phát triển từ 10 lên 100 khách hàng trong vòng 3 năm. Đương nhiên là chúng tôi sẽ xem xét từng trường hợp để đặt ra chỉ tiêu cụ thể, nhưng quan điểm chung là chủ các start-up phải vô cùng quyết liệt trong việc mở rộng thị trường.
Ngoài ra, các start-up cần có khả năng giữ chân khách hàng cũ, thu hút nhiều khách “ruột”. Vì đây chính là thước đo xem các ông chủ start-up có giữ vững được chất lượng dịch vụ của mình về lâu dài hay không. Ngoài ra, định giá hiện tại của các start-up phải rẻ, vì chúng tôi là quỹ đầu tư giai đoạn đầu, nên không thể rót vốn vào các công ty có định giá quá cao. Nói chung, Quỹ 500 start-ups hy vọng các start-up sẽ tăng trưởng ít nhất là gấp ba lần sau khi được chúng tôi đổ vốn đầu tư.
Theo quan điểm của cá nhân tôi, khi tiếp cận các quỹ đầu tư mạo hiểm, các start-up Việt Nam nên nhấn mạnh lợi thế lớn nhất của dự án. Nếu ưu điểm của bạn là đội ngũ chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm, hãy nói với chúng tôi ngay. Hãy làm tương tự nếu bạn có ý tưởng độc đáo, áp dụng công nghệ mới lạ, hay startup của bạn đang tăng trưởng nhanh. Kỷ lục giải ngân của chúng tôi là 25 phút sau khi duyệt kế hoạch đầu tư, vì thế các bạn nên trình bày thật ngắn gọn và súc tích, nêu bật được điểm mạnh của mình.
Hiện nay, thương mại điện tử và công nghệ tài chính đang là hai lĩnh vực “hot” nhất giới start-up Việt Nam. Vậy Quỹ 500 start-ups có tập trung rót vốn vào đây không, thưa ông?
Đúng là có nhiều dự án khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay thuộc lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ tài chính. Chúng tôi luôn quan tâm đặc biệt đến hai ngành này, vì nhận thấy có nhiều start-up tiềm năng trong lĩnh vực bán hàng online, phương thức thanh toán điện tử và tài chính cá nhân.
Tuy nhiên, chiến lược của chúng tôi không chỉ dừng ở đó. Chúng tôi luôn cố gắng đa dạng hóa danh mục và tìm kiếm cơ hội đầu tư ở nhiều ngành khác nhau. Hiện nay, Quỹ 500 Start-ups đang chú ý đến các công ty sử dụng công nghệ làm nền tảng cho hoạt động kinh doanh của họ. Một ví dụ là các start-up kinh doanh thực phẩm, không chỉ là nhà hàng hay quán café, mà là những cách thức mới lạ để phục vụ nhu cầu ăn uống ngày càng cao của người trẻ.
Giới doanh nghiệp truyền thống thường coi start-up là đối thủ cạnh tranh. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Cá nhân tôi cho rằng, thay vì đối đầu với các doanh nghiệp lớn, các start-up Việt Nam nên hợp tác với họ thì có lợi hơn cho cả đôi bên. Bản thân các start-up sẽ có được sự hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp, những người đã hoạt động lâu năm trên thị trường; còn doanh nghiệp sẽ thu hút được nhân tài và có thêm ý tưởng mới. Nếu cả cộng đồng doanh nghiệp hợp sức hỗ trợ thì các start-up sẽ dễ phát triển hơn.
Cũng liên quan đến vấn đề này, tôi rất hào hứng với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam vừa ký kết, vì gia tăng thương mại và giảm thuế sẽ kích thích cả khối doanh nghiệp truyền thống lẫn start-up phát triển. Chắc chắn Quỹ 500 start-ups sẽ theo dõi sát sao diễn biến của các hiệp định này để chọn ra start-up phù hợp.