Ngày 6/12/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập Quỹ đại chúng cho Quỹ đầu tư tăng trưởng dài hạn Việt Nam (VLGF). Quỹ sẽ chính thức giao dịch từ ngày 13/12/2021.
Các cổ phiếu chất lượng cao ở các nhóm ngành có đóng góp quan trọng cho đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, như ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ, ngân hàng thương mại, bất động sản, logistic… sẽ là đích nhắm đầu tư của quỹ.
Trước đó, VLGF đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng ngày 19/10/2021, thời hạn đăng ký mua và thanh toán chứng chỉ quỹ lần đầu từ ngày 27/10/2021 đến 16/11/2021.
Trong giai đoạn IPO, Quỹ VLGF đã huy động được gần 149 tỷ đồng, tương ứng số lượng 14.898.424 chứng chỉ quỹ, mệnh giá 10.000 đồng/chứng chỉ quỹ. Quỹ được phân phối bởi Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) và CTCP Chứng khoán SSI, giám sát bởi Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chartered (Việt Nam).
Sau khi được Ủy ban cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập Quỹ, trong vòng 5 ngày, các nhà đầu tư sẽ nhận được kết quả IPO, đồng thời chứng chỉ quỹ VLGF sẽ được phân bổ vào tài khoản cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư có thể theo dõi khoản đầu tư của mình ngay tại hệ thống giao dịch online của SSIAM
VLGF sẽ chính thức giao dịch từ thứ 2, ngày 13/12/2021. Thời hạn nhận lệnh mua/bán/chuyển đổi cho ngày giao dịch đầu tiên từ 08h00 đến 14h40 ngày thứ 6 - 10/12/2021. Giá trị đăng ký mua tối thiểu 500.000 đồng. Tần suất giao dịch hàng ngày, vào các ngày làm việc từ thứ 2 đến thứ 6 ngay trên hệ thống giao dịch online của SSIAM.
Cổ phiếu bất động sản vẫn được quỹ đầu tư ưa thích. |
Theo đại diện SSIAM, sản phẩm chứng chỉ quỹ VLGF có một số điểm khác biệt với danh mục đầu tư cụ thể. VLGF có triết lý đầu tư tập trung vào yếu tố giá trị, dài hạn, chú trọng nền tảng cơ bản của doanh nghiệp.
Các cổ phiếu được lựa chọn vào danh mục theo dõi đầu tư của VLGF phải đáp ứng được các tiêu chí khắt khe.
Cụ thể: doanh nghiệp thuộc ngành có triển vọng tăng trưởng cao, cấu trúc ngành thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tối ưu, có vị thế tốt trong ngành, cơ cấu sở hữu cân bằng tạo nên hệ thống quản trị tốt, ban lãnh đạo có năng lực, minh bạch và quan tâm giá trị cho cổ đông. Đặc biệt định giá phải còn hấp dẫn so với tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp.
Ngoài ra, một ưu điểm khác của việc đầu tư vào VLGF là chỉ cần số vốn đầu tư ban đầu khiêm tốn, nhà đầu tư có thể đầu tư trực tiếp vào kênh đầu tư cổ phiếu mà vẫn đạt được sự đa dạng hóa, không tập trung vào một ngành nghề hay cổ phiếu riêng lẻ.
Hoạt động sản xuất đã được khôi phục trở lại và nền kinh tế đang từng bước quay lại trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng, xu hướng rút vốn của các quỹ ETF và các quỹ chủ động chưa có nhiều cải thiện trong tháng 11,
Bên cạnh lý do khách quan đến từ việc FED phát tín hiệu có thể thắt chặt sớm hơn kỳ vọng khiến dòng tiền rút ra khỏi thị trường mới nổi. Lý do chủ quan đến từ việc đồng VND tương đối mạnh so với các đồng tiền khác trong khu vực (tăng 1,6% so với USD trong năm 2021) và tỷ trọng các nhóm ngành trong thị trường chứng khoán Việt Nam chưa đa dạng, bị giới hạn về sở hữu nước ngoài.
Hầu hết các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam thuộc các lĩnh vực tài chính, bất động sản, trong khi những ngành thu hút dòng tiền mạnh trên thế giới như công nghệ, bán lẻ, y tế, giáo dục không có nhiều lựa chọn và bị giới hạn sở hữu nước ngoài.