Việc định danh xe vận tải hành khách dưới 9 chỗ ngồi ứng dụng công nghệ đến nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Ảnh: Đức Thanh |
Chưa thể “lăn bánh”
“Chúng tôi đang khẩn trương tiếp thu và hoàn chỉnh lại Dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để có thể đáp ứng đúng tiến độ yêu cầu của Chính phủ”, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải) cho biết.
Hiện sức ép đối với cơ quan chủ trì soạn thảo trần pháp lý mới cho lĩnh vực liên quan sát sườn tới 24.580 doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa bằng ô tô đang rất lớn. Từ đầu tháng 3/2018 tới nay, các văn bản hỏa tốc thúc sớm ban hành nghị định mới thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô liên tiếp đổ về Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).
Sự lạc hậu, tù túng của Nghị định số 86/2014/NĐ-CP và những tác động trực diện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới thực tiễn vận tải đường bộ khiến Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội Vận tải hàng hóa các địa phương; Hiệp hội Taxi của 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải thấy cần một luật chơi mới.
Được biết, đầu tháng 3/2019, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 93/TB-VPCP về kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi họp rà soát Dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Theo đó, Phó thủ tướng đánh giá, Dự thảo Nghị định chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, còn nhiều ý kiến khác nhau đối với một số nội dung trọng yếu; một số nội dung chưa phù hợp với pháp luật hiện hành, điển hình là Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao dịch điện tử.
Để bảo đảm tính khả thi khi Nghị định được ban hành, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, đơn vị: Công an, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia..., các hiệp hội và doanh nghiệp vận tải lớn trong và ngoài nước nghiên cứu, rà soát kỹ nội dung Dự thảo Nghị định trên tinh thần phù hợp với các luật có liên quan.
Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi (kể cả người lái xe), Phó thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu kỹ 2 phương án đã được các thành viên Chính phủ biểu quyết và đề xuất thêm phương án phù hợp trên tinh thần bảo đảm các nguyên tắc nêu trên, báo cáo Thủ tướng trước ngày 14/4/2019.
Nguy cơ “đẽo cày”
Trước đó, trong lần trình Dự thảo Nghị định gần nhất (30/1/2019), Bộ GTVT cho biết, có hai quan điểm khác nhau của các thành viên Chính phủ về việc quản lý xe ô tô kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ ứng dụng hợp đồng điện tử (là xe taxi hay là xe hợp đồng).
“Mỗi phương án đều có những ưu điểm và hạn chế riêng”, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Cụ thể, đối với phương án quản lý xe chở khách dưới 9 chỗ có ứng dụng phần mềm là xe taxi (không có xe sử dụng hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ - Phương án 1), chỉ có 8/26 thành viên Chính phủ chọn phương án là xe taxi.
Trong khi đó, đối với phương án quản lý xe chở khách dưới 9 chỗ được sử dụng hợp đồng điện tử, đồng thời xe taxi được sử dụng phần mềm tính tiền kết nối với hành khách (Phương án 2), có 15/26 thành viên Chính phủ chọn phương án là xe hợp đồng. Phương án này bổ sung một số quy định để quản lý chặt chẽ đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) sử dụng hợp đồng điện tử, đảm bảo cân bằng đối với xe taxi.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng, quy định xe ô tô kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ ứng dụng hợp đồng điện tử là xe taxi dù còn có những hạn chế (bao gồm cả việc chưa phù hợp với một số luật hiện nay, như Luật Giao dịch điện tử, Luật Giao thông đường bộ), nhưng phương án này đáp ứng được việc không triệt tiêu ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải, đồng thời tạo thuận lợi cho công tác quản lý và không ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân. Đây cũng là lý do khiến Bộ GTVT đề xuất chọn Phương án 1, dù đây là phương án thiểu số khi xin ý kiến các thành viên Chính phủ.
“Vướng mắc lớn nhất của Dự thảo Nghị định liên quan đến việc định danh các xe vận tải hành khách dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ, mà tiêu biểu là Grab. Nếu không xử lý được vấn đề này, Dự thảo Nghị định sẽ còn phải dỡ ra, làm lại nhiều lần”, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết.
Trong văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải ngày11/3, Hiệp hội Taxi Hà Nội (HATAS) không tán thành với cả 2 phương án về việc quản lý xe ô tô
kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ ứng dụng hợp đồng điện tử, do đều phản ánh chưa đúng bản chất của các loại hình vận tải.
HATAS kiến nghị Bộ GTVT cần định danh cụ thể và đúng bản chất của
loại hình vận tải taxi và vận tải xe hợp đồng. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp sẽ tự căn cứ để lựa chọn và đăng ký loại hình kinh doanh cho phù hợp.