Theo thông tin từ Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, quá trình tổng rà soát, kiểm tra đối với 100% các cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, lực lượng chức năng phát hiện 47.719 cơ sở trên tổng số 1.182.722 cơ sở được rà soát còn tồn tại, vi phạm về phòng cháy chữa cháy.
Lãnh đạo Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trả lời kiến nghị của doanh nghiệp. |
Trên cơ sở tổ chức hướng dẫn, đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc được khoảng 10.000 cơ sở, tính đến nay còn 38.140 cơ sở đã đưa vào hoạt động còn tồn tại, không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy tại thời điểm thẩm duyệt hoặc đưa vào sử dụng, buộc phải sửa chữa, khắc phục.
Hiện nay, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đang tích cực tham mưu cho Bộ Công an sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và triển khai nhiều giải pháp để hướng dẫn các cơ sở khắc phục tồn tại, vi phạm về phòng cháy chữa cháy.
Tuy nhiên, thời gian qua, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ vẫn nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Tại Đối thoại Cơ quan quản lý và doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp về lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ ngày 20/7, ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương, Chủ tịch Hiệp hội phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Việt Nam, cho hay, riêng trong tháng 3 vừa qua, Hiệp hội nhận được 232 ý kiến từ các doanh nghiệp nêu về các khó khăn vướng mắc.
Trong đó, có 74% liên quan đến khó khăn vướng mắc đối với quy chuẩn 06 của Bộ Xây dựng, 14% khó khăn vướng mắc liên quan đến quy chuẩn 03 của Bộ Công An và 12% liên quan đến các vấn đề quy chuẩn 3890 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Theo cán bộ phụ trách công tác phòng chống cháy nổ của Tập đoàn Vingroup, tại Nghị định 136 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng cháy chữa cháy chưa có quy định thẩm duyệt, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy cụ thể, rõ ràng đối với công trình cải tạo nhỏ lẻ, khiến mỗi địa phương đưa ra một yêu cầu khác nhau dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Ủy viên Ban chấp hàng Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam, cho biết, theo các danh mục thiết bị phòng cháy, chữa cháy mà các cảng biển phải đầu tư như xe chữa cháy, tàu chữa cháy, nguồn lực chuyên ngành triển khai… ước tính chi phí lên đến cả trăm tỷ đồng cho mỗi cảng biển.
Đó là còn chưa bao gồm chi phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng. Điều này sẽ làm tăng chi phí logistics qua đó làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics Việt Nam.
Ông Hải kiến nghị bãi bỏ quy định về trang bị xe và tàu chữa cháy riêng tại từng doanh nghiệp cảng biển. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp cảng thuộc cùng một khu vực cụm cảng được sử dụng chung phương tiện xe, tàu chữa cháy.
"Các phương tiện này sẽ do cơ quan nhà nước Cảng vụ, Công an phòng cháy chữa cháy tại từng khu vực cảng biển đảm nhận trang bị và thu phí nếu có sự cố xảy ra", ông Hải nêu.
Ngoài ra, tại đối thoại, đại diện doanh nghiệp địa phương cũng nêu những khó khăn, vướng mắc như việc yêu cầu một số khu resort, du lịch có bể bơi rất lớn nhưng vẫn yêu cầu phải có bể nước chữa cháy.
Để khắc phục những khó khăn liên quan tới công tác phòng cháy chữa cháy, Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ thừa nhận, tại nghị định 136 vẫn tồn tại những quy định chưa cụ thể, rõ ràng như đại diện doanh nghiệp nêu. Hiện, cơ quan chuyên môn đã sửa đổi, bổ sung, làm rõ hơn một số nội dung và dự kiến ban hành trong tháng 8 tới đây.
"Nghị định 136 sẽ được sửa đổi theo hướng giảm bớt giấy tờ liên quan đến thủ tục phòng cháy chữa cháy. Nếu trước đây, người dân và doanh nghiệp phải nộp rất nhiều hồ sơ phòng cháy chữa cháy có liên quan, thì nay những giấy tờ nào do cơ quan công an đã cấp thì không phải nộp lại. Thêm vào đó, sẽ tăng phân cấp cho cơ quan công an địa phương thẩm duyệt, nghiệm thu công trình", ông Tuấn Anh cho hay.
Liên quan tới vướng mắc, khó khăn trong thực hiện quy chuẩn phòng cháy chữa cháy QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, ông Lê Minh Long, Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, trong quá trình thực hiện quy chuẩn phòng cháy chữa cháy mới sự khó khăn của doanh nghiệp là rất lớn và cần được giải quyết trong thời gian ngắn nhất.
Theo ông Long, khi người dân, doanh nghiệp chủ động tìm hiểu, đọc kỹ các mục trong quy chuẩn thì sẽ giảm bớt khó khăn, vướng mắc.
Bộ Công an, Bộ Xây dựng luôn tìm hiểu thông tin mới nhất, quy chuẩn mới nhất trên thế giới để cập nhật. Các điều chỉnh theo hướng tốt hơn sẽ tốt hơn được cập nhật và áp dụng.
Hiện, Bộ Xây dựng đã rất cầu toàn, lắng nghe và đang có bản sửa đổi Quy chuẩn 06, Bộ sẽ có những buổi hội thảo toàn quốc để mời các chuyên gia, cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp đóng góp ý kiến trước khi ban hành.
Về thời gian ban hành, theo thông lệ là khoảng 6 tháng mới có hiệu lực nhưng trong các trường hợp khẩn cấp thì có hiệu lực trong 45 ngày để có lợi cho người dân, doanh nghiệp hơn.