Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Cụ thể, việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp thực hiện theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri.
Trường hợp nhập các đơn vị hành chính cùng cấp thì khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.
Trước đó, tại Báo cáo tổng 03 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, Bộ Nội vụ chỉ ra khó khăn trong việc xác định tên gọi của các đơn vị hành chính sau khi thực hiện sắp xếp.
Có trường hợp cử tri không đồng ý với phương án sắp xếp chỉ vì không đồng ý với tên gọi của đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau sắp xếp.
Có địa phương thì thống nhất lấy tên của một trong các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp; có nơi thì ghép tên đầu - cuối của các đơn vị thực hiện sắp xếp nhưng như vậy thì tên gọi mới không còn ý nghĩa sâu sắc như nguyên gốc. Có địa phương thì lấy tên gọi hoàn toàn mới.
Theo Bộ Nội vụ, so với việc nhập 2 đơn vị hành chính thành một đơn vị và giữ nguyên tên gọi của một đơn vị hành chính cũ thì việc ghép tên hoặc đổi tên đơn vị hành chính mới sẽ làm tăng gấp 2 lần khối lượng công việc để thực hiện các thủ tục chuyển đổi con dấu, giấy tờ cho tổ chức, cá nhân ở các đơn vị hành chính chịu sự tác động, có thể gây lãng phí. Điều này cần rút kinh nghiệm cho việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn sau.