Diện mạo thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) ngày càng hiện đại |
Phát triển dựa trên 3 trục động lực
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa hoàn tất báo cáo cuối kỳ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc xây dựng quy hoạch là một khâu quan trọng để dẫn đường cho sự phát triển của địa phương trong thời gian tới. Ngay từ khi xây dựng quy hoạch, tỉnh đã xác định phương châm phát triển là “Đột phá - Năng động - Sáng tạo - Bền vững”, xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển toàn diện, là cửa ngõ ra biển của vùng Đông Nam bộ và của quốc gia.
Trong vai trò là tỉnh có cửa ngõ tiến ra biển, với hệ thống cảng nước sâu, hàng hóa xuất nhập khẩu được tập trung đưa về đây. Bà Rịa - Vũng Tàu xác định quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với tầm nhìn dài hạn. Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng, hạ tầng cho phát triển kinh tế biển, hạ tầng các khu công nghiệp để tạo không gian phát triển mới.
Chính vì vậy, một loạt tuyến đường vành đai, cao tốc được đưa vào quy hoạch, như cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, đường vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, đường ven biển ĐT994. Những tuyến đường này đã được tỉnh lên kế hoạch xây dựng trong thời gian tới.
Bên cạnh đường bộ, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đưa tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu; sân bay Gò Găng, Đất Đỏ vào quy hoạch để đầu tư trong những năm tới. Tất cả các dự án đường bộ, đường sắt, hàng không, sau khi được đầu tư theo quy hoạch, sẽ hình thành hệ thống giao thông đa phương thức, kết nối liên hoàn, đồng bộ giữa hệ thống cảng Cái Mép -Thị Vải; sân bay quốc tế Long Thành; các trung tâm dịch vụ logistics, các khu công nghiệp, đô thị trong vùng Đông Nam bộ.
Dựa trên quy hoạch hạ tầng giao thông, Bà Rịa - Vũng Tàu quy hoạch thành 3 trục động lực phát triển chạy dọc hành lang các tuyến đường liên kết vùng như Quốc lộ 51, đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.
Trục thứ nhất, dọc Quốc lộ 51, sông Thị Vải, sẽ xây dựng và phát triển cảng biển trung chuyển quốc tế; xây dựng trung tâm logistics và khu thương mại tự do; Trung tâm Điện khí LNG Long Sơn và các dự án hạ nguồn sau hóa dầu.
Trục thứ hai, dọc đường vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh và Quốc lộ 56 sẽ phát triển tổ hợp công nghiệp, dịch vụ, đô thị và khu công nghiệp công nghệ cao tại Phú Mỹ và Châu Đức.
Trục thứ ba, dọc đường ĐT 994 và đường kết nối đến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ phát triển đô thị du lịch ven biển.
Năm 2030 trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương
Trong bản quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương với cơ cấu đô thị đa trung tâm. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, thành lập thành phố Bà Rịa - Vũng Tàu trực thuộc Trung ương đóng vai trò là một cực phát triển quan trọng trong hệ thống đô thị của vùng, là trung tâm hướng ra biển, cửa ngõ ra biển cho vùng Đông Nam bộ.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm với các đô thị Vũng Tàu, Phú Mỹ, Bà Rịa, Long Điền, Long Hải, được kết nối bằng hệ thống giao thông đô thị đồng bộ, hiện đại như hệ thống đường đô thị và các tuyến metro, monorail.
Đồng thời, phát triển và hiện đại hoá các đô thị vệ tinh thực hiện chức năng dịch vụ du lịch, dịch vụ công nghiệp, nông nghiệp, đóng vai trò hạt nhân phát triển, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa phát triển các vùng ngoại thành, vùng ven biển, khu vực nông thôn. Các đô thị vệ tinh đóng vai trò hạt nhân dẫn dắt phát triển vùng ngoại thành gồm 1 đô thị loại IV (là thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức), 8 đô thị loại V (Phước Bửu, Bình Châu, Hoà Bình, Hồ Tràm, Đất Đỏ, Phước Hải, Lộc An, Kim Long) và 1 đô thị sinh thái biển đảo (Côn Đảo).
Các đô thị tại Bà Rịa - Vũng Tàu được định hướng phát triển theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại bao gồm giao thông trên mặt đất, giao thông ngầm, giao thông trên cao, đảm bảo kết nối giữa các đô thị trong tỉnh với các đô thị trong vùng.