Quý 1/2022, xuất khẩu thủy sản đạt 2,4 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước nhờ Mỹ, EU...tăng nhập hàng từ Việt Nam. |
Việc xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chủ lực trong quý 1/2022 tăng trưởng mạnh, dù hoạt động sản xuất, thương mại tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19, chi phí vận chuyển tăng cao..., càng cho thấy, vị trí quan trọng của mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu,.
Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2022 của Bộ Công thương cho biết, xung đột chính trị giữa Nga-Ukraine, dịch bệnh làm thiếu hụt lao động trong các dây chuyền sản xuất, khan hiếm tàu vận chuyển..., nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước vẫn tăng 14,35% so với cùng kỳ năm trước, đạt 176,35 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9%, nhập khẩu 87,77 tỷ USD, tăng 15,9%, cán cân thương mại hàng hóa quý 1/2022 xuất siêu 809 triệu USD.
Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 3/2022 ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ, với 34,06 tỷ USD, tăng 45,5% so với tháng trước và tăng 14,8% so với cùng kỳ, với sự gia tăng về lượng lẫn giá ở nhiều nhóm hàng như nông sản, dầu thô, xăng dầu, phân bón và chất dẻo.
Quý 1/2022, cả nước có 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 5 mặt hàng so với quý 1/2021, chiếm 83,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,9%).
Riêng xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản quý 1 đạt 7,27 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ, điểm nổi bật trong xuất khẩu nhóm hàng này là thủy sản đã mang về 900 triệu USD trong tháng 3, tăng 41% so với tháng trước đó và tăng 22,4% so với cùng kỳ. Quý 1/2022, xuất khẩu thủy sản đạt 2,4 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 76,18 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ và chiếm 86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung, trong khi nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản tăng cao nhất trong các nhóm hàng, tăng 67,7% so với cùng kỳ, nhờ vào xăng dầu, than đá và quặng, khoáng sản khác tăng cao về lượng lẫn trị giá bởi mặt bằng giá xuất khẩu tăng cao.
Ấn tượng hơn cả là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chủ lực đều tăng rất mạnh, trong đó Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta, đạt 25,57 tỷ USD, chiếm 28,87% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 15% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu sang Trung Quốc dẫu gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nông thủy sản, nhưng vẫn tăng trưởng 9,2% trong quý 1, đạt 13,7 tỷ USD, ASEAN đạt 8,1 tỷ USD, tăng 19,9%, Hàn Quốc đạt 6,26 tỷ USD, tăng 21% và Nhật Bản đạt 5,4 tỷ USD, tăng 10,6%.
Với phương châm thích ứng linh hoạt, an toàn trong sản xuất kinh doanh, sau 2 năm đã có kinh nghiệm ứng phó, Bộ Công thương nhận định, hoạt động xuất khẩu năm 2022 có cơ hội tăng trưởng nhờ nhu cầu tiêu dùng hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục. Nhiều nền kinh tế tiếp tục triển khai các gói kích cầu hỗ trợ trực tiếp cho người dân, qua đó thúc đẩy tiêu dùng trong đó có mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Ngoài ra, việc tiếp tục khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là những FTA thế hệ mới là một trong những yếu tố quan trọng, là động lực góp phần hiện thực hoá mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng 6-8% trong năm 2022.