Các cuộc thi khởi nghiệp của sinh viên thường chỉ dừng lại ở mục tiêu khơi dậy niềm khao khát khởi nghiệp cho giới trẻ |
Tại buổi họp phát động cuộc thi “Thử thách sáng tạo FBA 2017” (FBA Innovation Challenge- FBA IC) diễn ra chiều nay, 23/2, tại Hà Nội, PGS.TS Lê Thái Phong, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngoại thương khẳng định, mục tiêu của các quỹ đầu tư là tìm kiếm lợi nhuận. Do đó, dù ý tưởng khởi nghiệp doanh nghiệp xã hội có khả thi thì điều mà những bạn trẻ nhận được chỉ là những lời hứa tôi sẽ thế này, tôi sẽ thế kia. Kết quả là hầu hết các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên đều khó nhận được vốn.
Khẳng định này được đúc rút từ kinh nghiệm 4 năm tổ chức cuộc thi khởi nghiệp cho các sinh viên ĐH Ngoại thương của PGS.TS Phong.
Ngoài ra, ông Phong cũng thừa nhận, tỷ lệ ý tưởng của các sinh viên trở thành hiện thực là rất ít. Nguyên nhân theo ông Phong là do các sinh viên vẫn còn thiếu kinh nghiệm đi kèm với nó là áp lực tài chính sau khi ra trường và cả thất bại trong gọi vốn cũng khiến những người trẻ nản lòng với chính những ý tưởng của mình.
“Do đó, mục tiêu của các cuộc thi trong khuôn khổ trường đại học, chúng tôi chỉ dám dừng lại ở thúc đẩy niềm khát khao khởi nghiệp cho sinh viên và tìm kiếm những ý tưởng, nếu có khả năng khả thi thì chúng tôi sẽ kết nối với các nhà đầu tư.”, ông Phong nói.
Ông Phong cũng tiết lộ thêm, ĐH Ngoại thương sắp tới sẽ thành lập Trung tâm khởi nghiệp đặt tại chính trụ sở của trường với kỳ vọng nơi đây là nơi các sinh viên, không chỉ sinh viên ngoại thương mà cả sinh viên các trường khác đam mê khởi nghiệp có môi trường để học hỏi và trải nghiệm những ý tưởng của mình.
Thực tế cho thấy, trải qua 4 năm thi khởi nghiệp cho sinh viên Ngoại thương chỉ có 3 ý tưởng thành hiện thực là “Mỹ thuật bụi”, “Chèo 24h” và “Áp hiến máu” (Mạng xã hội hiến máu) mặc dù mỗi năm, hồ sơ ý tưởng khởi nghiệp của các sinh viên đăng ký tham gia cuộc thi lên tới 70-80 hồ sơ.
Ông Phong cũng khẳng định thêm, chính những doanh nghiệp tài trợ cho các cuộc thi không hẳn là các quỹ mà đơn thuần là những doanh nghiệp muốn “pay back” một phần tài chính cho hoạt động xã hội nên quyết định tài trợ.
Đứng ở khía cạnh khác, ông Trần Khâm, Đại diện Công ty cổ phần sách Alpha cho rằng, sinh viên khởi nghiệp đang gặp phải 2 rào cản chính là thiếu kinh nghiệm dẫn dắt quản lý để ý tưởng đạt được mục tiêu và thiếu quy mô tiền đầu tư.
Do đó, trước thời gian cuộc thi FBA IC bắt đầu, ông Khâm đưa ra lời khuyên, sinh viên nên đặt 2 mục tiêu. Thứ nhất là khi xây dựng ý tưởng phải nhiệt huyết thể hiện ý tưởng của mình. Thứ 2, muốn hiện thực hóa ý tưởng, các bạn sinh viên nên tập trung vào yếu tố quy mô và khả năng thực hiện như thế nào khi đàm phán với các nhà đầu tư.
FBAIC 2017 sẽ bắt đầu với 5 vòng:
Vòng 1: Feel the Inside với nội dung nộp tổng quan đề án và CV cá nhân từ 23/2-20/3.
Vòng 2: Innovate the idea với nội dung nộp đề án chi tiết từ 24/3-9/4.
Vòng 3: Venture or Lose với nội dung chinh phục nhà đầu tư từ 16/4-22/4.
Vòng 4: Explode without limits là vòng chung kết cuộc thi sẽ chỉ còn 3 đội xuất sắc nhất cuộc thi. 3 đội này sẽ trải qua 3 phần là khởi tranh, thách thức và chinh phục để ban giám khảo lựa chọn đội giành giải quán quân dự kiến vào giữa tháng 5/2017.
FBAIC 2017 được thực hiện với tiêu chí hướng tới doanh nghiệp xã hội nên cuộc thi sẽ chú trọng tới tính xã hội, tính kinh doanh và tính khả thi.