Khoản đầu tư lớn nhất trị giá 1,3 tỷ USD
Gần đây nhất, Credit Suisse (Singapore) Limited đã tư vấn thành công cho Quỹ đầu tư GIC Private Limited ký thỏa thuận hợp tác với Vinhomes, một thành viên của Tập đoàn Vingroup. Theo đó, GIC sẽ đầu tư tổng cộng 1,3 tỷ USD (tương đương 29.500 tỷ đồng) dưới 2 hình thức là đầu tư mua cổ phần của Vinhomes và cung cấp một công cụ nợ cho Vinhomes (như khoản cho vay) để thực hiện các dự án.
Cơ hội đầu tư tại thị trường bất động sản Việt Nam hiện tại là rất lớn, do dân số đông và trẻ, trong khi quỹ nhà ở còn rất khiêm tốn. |
GIC là một dạng quỹ đầu tư quốc gia của Chính phủ Singapore, được thành lập vào năm 1981, thuộc sở hữu của Bộ Tài chính Singapore. GIC được biết đến là một trong các tổ chức quản lý quỹ đầu tư lớn nhất trên thế giới quản lý số tài sản trên 359 tỷ USD, trải rộng trong nhiều lĩnh vực, từ chứng khoán tới địa ốc và tài nguyên thiên nhiên.
Khoản đầu tư vào Vinhomes là khoản đầu tư đầu tiên của GIC vào lĩnh vực bất động sản. Đây cũng là khoản đầu tư lớn nhất cho đến nay của quỹ đầu tư vào thị trường bất động sản. Trước đó, GIC đã đầu tư vào một loạt công ty khác như Masan, Vietjet, Vinamilk, FPT, PAN và Vinasun, với tổng giá trị lên đến hơn 657 triệu USD.
Các nhà đầu tư ngoại đều có nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển ổn định và hội nhập quốc tế tích cực. Chính phủ Việt Nam đã và đang tiếp tục đàm phán các hiệp định thương mại đa phương, song phương với các nền kinh tế lớn, sẽ tạo động lực khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam.
Cơ hội lớn
Tại thị trường bất động sản, cơ hội đầu tư hiện tại là rất lớn. Việt Nam với dân số đông và trẻ, tập trung ở các đô thị, trong khi quỹ nhà ở hiện còn rất khiêm tốn, cùng với hệ thống pháp luật đang ngày càng hoàn thiện, đã và đang tạo điều kiện tốt cho nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Theo ông Yeu Huan Lai, chuyên viên quản lý cao cấp tại Quỹ Nikko Asset Management, bất động sản là một trong những lĩnh vực đang được hưởng lợi từ sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, người dân Việt Nam cũng có được cuộc sống tốt hơn và nhu cầu tiêu dùng cũng đang phát triển với tốc độ tốt.
“Việt Nam đang trải qua quá trình đô thị hoá nhanh nhờ dân số trẻ và sự bùng nổ trong các hoạt động kinh tế khiến các nhà đầu tư quỹ hướng sự chú ý nhiều hơn vào các công ty bất động sản, bên cạnh lĩnh vực truyền thống là ngân hàng và hàng tiêu dùng”, ông Lai nói.
Ông Eric N Solberg, Chủ tịch và Giám đốc điều hành EXS Capital, một quỹ đầu tư có trụ sở chính tại Hồng Kông và hoạt động tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam đang được các quỹ nước ngoài rất quan tâm.
“EXS Capital đến nay đã rót hàng trăm triệu USD vào thị trường bất động sản Việt Nam. Đối tác của chúng tôi hiện nay là Công ty Bất động sản Sơn Kim với một loạt dự án. Chúng tôi rất lạc quan vào tiềm năng của thị trường Việt Nam và đang xem xét các khoản đầu tư mới vào thị trường này”, ông Solberg nói.
Thị trường bất động sản Việt Nam đang thu hút đầu tư từ rất nhiều nhà phát triển và quỹ nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Nhật Bản. “Các quỹ đầu tư nước ngoài hiện không chỉ tập trung vào phân khúc bất động sản hạng sang, mà đã phát triển sang các phân khúc khác như văn phòng cho thuê, bất động sản bán lẻ và cả nhà ở vừa túi tiền”, ông Solberg nhận định.
Hơn nữa, các quỹ cũng đang xem xét các phân khúc khác có liên quan đến bất động sản như cơ sở hạ tầng, trung tâm dữ liệu, hậu cần và bất động sản công nghiệp. Gần đây nhất, hai quỹ đầu tư hàng đầu tại thị trường Việt Nam là Dragon Capital và Vietnam Opportunity Fund (VOF) thuộc VinaCapital đã đầu tư tổng cộng 21 triệu USD để mua 25% cổ phần của CenLand - một công ty hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản tại Việt Nam.