Doanh nghiệp
Quỹ phát triển DNNVV khởi động các chương trình hỗ trợ tài chính năm 2016
Thu Lê - Thanh Sơn - 30/07/2016 09:07
Với mục đích triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Quỹ phát triển DNNVV (SMEDF) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo Khởi động các chương trình hỗ trợ tài chính năm 2016 tại Hải Phòng, vào chiều 29/7.

SMEDF được thành lập từ 17/4/2013 theo quyết định số 601/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với vốn điều lệ là 2.000 tỷ đồng. Quỹ sẽ thực hiện việc cho các DNNVV vay vốn thông qua phương thức ủy thác cho các ngân hàng thương mại. Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai việc cho vay vốn thông qua ủy thác cho 03 ngân hàng thương mại là Vietcombank, BIDV và HDBank. Các DNNVV trên cả nước có thể lựa chọn vay vốn theo 1 trong 4 chương trình hỗ trợ tài chính trong năm nay của SMEDF.

Đầu tiên là chương trình hỗ trợ DNNVV đổi mới sáng tạo với hạn mức chương trình là 100 tỷ đồng, với mức vay đối ta cho mỗi DN là 10 tỷ. Tiếp đó là chương trình dành cho DN tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến và bảo quản nông, lâm và thủy sản với hạn mức là 210 tỷ đồng và mức vay tối đa là 20 tỷ. Các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho ngành điện tử và cơ khí cũng có chương trình hỗ trợ riêng, với hạn mức 150 tỷ đồng và mức cho vay tối đa với mỗi DN là 25 tỷ đồng. Cuối cùng là chương trình hỗ trợ DN trong ngành hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải với hạn mức là 100 tỷ đồng, và mức vay tối đa là 25 tỷ.

Bà Hoàng Thị Hồng - GĐ quỹ SMEDF và ông Nguyễn Quang Ninh - đại diện Vietcombank chủ trì hội thảo.

Nhằm hỗ trợ các DNNVV dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để phát triển, chương trình cho vay của quỹ SMEDF được xây dựng với nhiều ưu đãi hơn hẳn so với các chương trình vay vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại hiện nay.

Cụ thể, theo bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc quỹ SMEDF thì các DNNVV được vay với hạn mức tối đa lên đến 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án, phương án sản xuất kinh danh (không bao gồm vốn lưu động) và tối đa không quá 30 tỷ đồng. Thời hạn vay là không quá 10 năm(tùy từng chương trình hỗ trợ tài chính cụ thể của các năm sẽ có sự điều chỉnh riêng bằng hoặc thấp hơn). Phía ngân hàng nhận ủy thác thì không được yêu cầu tài sản bảo đảm vượt quá 100% giá trị của khoản vay. Điểm đặc biệt trong chính sách vay vốn này là DNNVV có thể sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm cho khoản vay. Doanh nghiệp được chủ động trả nợ trước hạn và được miễn các phí trả nợ trước hạn. Nợ vay gốc còn có thể được ân hạn đến 18 hoặc 24 tháng, tùy theo chương trình cụ thể.

Lãi suất của SMEDF – một trong những vấn đền DNNVV rất quan tâm khi vay vốn cũng là một ưu điểm. Ở SMEDF lãi suất được cố định trong suất thời hạn vay và luôn thấp hơn lãi suất cho vay thương mại. “Và trong quá trình vay, nếu lãi suất cho vay thương mại giảm thì quỹ cũng sẽ chủ động điều chỉnh lãi suất giảm tương ứng để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp”. Bà Hồng khẳng định.

Theo đánh giá của bà Đào Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hải Phòng: “Chương trình hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp của quỹ SMEDF vào thời điểm này là rất cần thiết và đáp ứng được những mong mỏi của DNNVV trong việc tiếp cận nguồn vốn vay”. Song, bà Ngân cũng cho rằng, số vốn điều lệ của quỹ chỉ có 2.000 tỷ đồng là quá nhỏ.

Đồng tình với quan điểm này, bà Hồng cho biết: “Hiện cả nước có khoảng 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động thì có đến 98% trong số đó là DNNVV, nên số vốn ban đầu chỉ có 2.000 tỷ đồng chắc chắn chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu thực tế”. Để nguồn vốn của quỹ được gia tăng thì quỹ cũng được phép huy động nguồn tài trợ hỗ trợ từ các tổ chức, đơn vị khác trong nước và quốc tế. Mới đây, SMEDF đã ký được thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Johnan Shinkin của Nhật Bản. “Hiện chúng tôi cũng đang trong quá trình đàm phán với một số đối tác quốc tế khác để huy động vốn cho quỹ”. Bà Hồng cho hay.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng phòng vốn tín dụng quốc tế Ngân hàng Vietcombank đã giới thiệu đến các DNNVV cách thức cụ thể để tiếp cận vốn của quỹ thông qua ngân hàng Vietcombank.

Đã có hơn 70 ý kiến của DNNVV được đưa ra tại Hội thảo. Các ý kiến tập trung xoay quanh vấn đề xác định xem doanh nghiệp có thuộc đối tượng vay vốn của Quỹ Hỗ trợ DNNVV hay không? Cách thức hoàn thiện hồ sơ vay? Hay loại tài sản hình thành trong tương lai của doanh nghiệp sẽ có có được thế chấp không?... Tất cả các câu hỏi đều đã được giải đáp ngay tại buổi hội thảo.

Tin liên quan
Tin khác