Nếu triển khai thành công, đây có thể được xem là một kênh huy động vốn hữu hiệu cho thị trường bất động sản và là một công cụ tốt cho nhà đầu tư.
Là quỹ đầu tư bất động sản đầu tiên tại Việt Nam, TCREIT có vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng. Techcom Capital sẽ chào bán tối thiểu 5 triệu chứng chỉ quỹ, với mệnh giá 10.000 đồng/chứng chỉ quỹ. NĐT có thể đăng ký mua chứng chỉ quỹ TCREIT với giá trị mua tối thiểu 1 triệu đồng/lệnh từ ngày 23/5 đến hết ngày 17/8 thông qua đại lý phân phối là CTCK Kỹ Thương.
Theo bản cáo bạch công bố trên web, TCREIT tập trung đầu tư vào tòa nhà văn phòng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại..., nhằm mang lại nguồn thu ổn định từ việc cho thuê và khai thác kinh doanh. TCREIT dự kiến sẽ niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội trong năm 2016.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, đại diện TCREIT cho biết, Quỹ ra đời nhằm góp phần đa dạng hóa các cơ hội và hoạt động đầu tư tại thị trường Việt Nam cho các NĐT, nhất là NĐT cá nhân. Từ trước đến nay, NĐT cá nhân tại Việt Nam tham gia thị trường bất động sản chủ yếu thông qua mua nhà, đất, thì giờ đây, họ có cơ hội tham gia và đồng sở hữu các dự án văn phòng, trung tâm thương mại,… với nguồn thu nhập thường xuyên, ổn định và thanh khoản cao hơn.
Theo nhìn nhận của Techcom Capital, triển vọng phát triển dài hạn của thị trường bất động sản Việt Nam còn lớn, xuất phát từ cả nhu cầu nhà ở thực tế lẫn nhu cầu đầu tư. Thị trường đang có những diễn biến tích cực sau thời gian dài đóng băng, nên có triển vọng tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, giá trị đầu tư ban đầu lớn, tính thanh khoản thấp, là những khó khăn cố hữu làm hạn chế khả năng của NĐT cá nhân tham gia đầu tư vào các dự án quy mô lớn.
Quỹ bất động sản cho phép chia nhỏ quyền sở hữu các dự án bất động sản thành những chứng chỉ quỹ có giá trị bằng nhau, nên giúp NĐT thuận lợi khi có nhu cầu sở hữu một phần của một, hoặc nhiều bất động sản tốt thông qua mua chứng chỉ quỹ, mà không cần phải có một số tiền đầu tư lớn hay phải trải qua các thủ tục phức tạp.
Hiện nay, thị trường bất động sản vẫn phụ thuộc chính vào dòng tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, nguồn vốn này không có tính ổn định do phụ thuộc chính sách tiền tệ, thường hay thay đổi hiện nay. Ngoài nguồn vốn tín dụng ngân hàng, các chủ đầu tư cũng hướng đến nguồn tiền nhàn rỗi từ khách hàng và các quỹ đầu tư. Thực tế, thời gian qua, một số doanh nghiệp địa ốc đã hướng đến dòng vốn từ một số quỹ đầu tư nước ngoài như Jen Capital, VinaCapital, Dragon Capital…. Tuy nhiên, nguồn vốn này cũng có mức lãi suất không hề thấp, từ 5-7%/năm và kèm theo hàng loạt yêu cầu khắt khe từ nhà tài trợ tín dụng.
Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, CBRE Hà Nội, bà Nguyễn Hoài An, cho biết, REIT là mô hình hoạt động tương tự các quỹ tương hỗ (mutual fund), trong đó các nhà đầu tư góp vốn và quyết định đầu tư vào các bất động sản cụ thể (đầu tư mua lại để vận hành, hoặc cho vay). Tại các quốc gia phát triển, các quỹ này thông thường được niêm yết trên TTCK, các NĐT góp vốn thông qua việc mua lại chứng chỉ quỹ.
Lợi ích của mô hình này, theo bà An, là tạo ra một nguồn thu nhập thường xuyên và ổn định cho nhà đầu tư thông qua các khoản đầu tư tập trung vào các loại bất động sản có thu nhập định kỳ.
Tuy nhiên, cũng theo bà An, vào thời điểm này, REITs sẽ cần thêm thời gian để có thể phát triển được, do thị trường đang thiếu các quản lý quỹ chuyên nghiệp có kinh nghiệm về đầu tư bất động sản. Trong khi đó, chất lượng về nguồn cung bất động sản chưa được đảm bảo dù gia tăng khá nhiều về số lượng trong thời gian vừa qua.
Hơn nữa, cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào các mô hình này vẫn chưa thực sự rõ ràng, nên hiện dù rất muốn tìm hiểu để thành lập hoặc tham gia, nhưng họ cần có quan sát xem hiệu quả hoạt động của những mô hình quỹ đầu tiên trước khi ra quyết định.