Tổng cục Thuế đã trả lời, giải thích cho hàng trăm lượt doanh nghiệp, cá nhân liên quan đến quyết toán thuế TNCN năm 2020 tại buổi hỗ trợ trực tuyến diễn ra vào chiều nay. |
Việc thay đổi từ chứng minh thư sang căn cước công dân ảnh hưởng thế nào đến quyết toán thuế TNCN năm 2020?; Quyết toán thuế TNCN của người nước ngoài ra sao? là những nhóm câu hỏi được doanh nghiệp, cá nhân đặc biệt quan tâm trong buổi hỗ trợ trực tuyến do Tổng cục Thuế thực hiện vào chiều 16/3.
Khi thay đổi chứng minh thư sang căn cước có cần mở mã số thuế mới
Bộ Công an đang “chạy nước rút” cấp căn cước công dân (gắn chip) thay cho chứng minh thư nhân dân. Việc thay chứng minh thư bằng căn cước công dân khiến việc quyết toán thuế TNCN năm 2020 có đôi chút phiền toái.
Cá nhân có cả chứng minh thư và căn cước, khi kiểm tra mã số thuế TNCN thì phát hiện không đồng bộ. Trường hợp cá nhân có 2 mã số thuế do có cả chứng minh thư và căn cước, theo Tổng cục Thuế, cá nhân có trách nhiệm liên hệ với cơ quan thuế làm thủ tục hủy bỏ một mã số thuế để tránh gặp khó khăn, vướng mắc do có 2 mã số thuế, ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của người nộp thuế. Doanh nghiệp chi trả thu nhập khi quyết toán thuế TNCN sẽ sử dụng mã số thuế đã sử dụng khi khấu trừ thuế của cá nhân.
Một doanh nghiệp phản ánh, người lao động có 2 mã số thuế do có cả căn cước lẫn chứng minh thư, nhưng người lao động đã nghỉ việc và doanh nghiệp không có mã số thuế mới được cấp theo căn cước công dân. Theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế, trường hợp người lao động có đồng thời 2 mã số thuế đang có hiệu lực thì doanh nghiệp sử dụng mã số thuế đang theo dõi (cấp theo chứng minh thư) kê khai, khấu trừ thuế TNCN năm 2020 để kê khai quyết toán thuế, đồng thời, doanh nghiệp phải thông báo cho người lao động liên hệ cơ quan thuế làm thủ tục thay đổi thông tin, thống nhất một mã số thuế, tránh phát sinh vướng mắc trong việc kê khai, khấu trừ thuế về sau.
Một người nộp thuế muốn biết khi thay đổi chứng minh thư sang căn cước, hộ chiếu có cần đăng ký lại mã số thuế hay mở mã số thuế mới? Nếu dùng một lúc 2 mã số thuế hoặc dùng mã số thuế được cấp theo chứng minh thư cũ có vi phạm pháp luật không? Theo ông Lưu Đức Huy, khi thay đổi chứng minh thư, hộ chiếu, căn cước, cá nhân bắt buộc phải thay đổi thông tin đăng ký mã số thuế và cá nhân được cấp một mã số thuế duy nhất để sử dụng trong suốt cuộc đời. Do vậy, trường hợp cá nhân dùng một lúc 2 mã số thuế hoặc dùng mã số thuế được cấp theo hộ chiếu, chứng minh thư, căn cước cũ mà không thay đổi thông tin theo căn cước mới được cấp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cá nhân có thể bị phạt tiền từ 1 - 7 triệu đồng nếu chậm thông báo thay đổi nội dung đăng ký thuế (tùy theo thời gian chậm thông báo).
“Tuy nhiên, cá nhân không kinh doanh đã được cấp mã số thuế nhưng chậm thay đổi thông tin khi được cấp căn cước công dân; cơ quan chi trả thu nhập chậm thông báo thay đổi thông tin khi người nộp thuế ủy quyền quyết toán thuế TNCN được cấp thẻ căn cước công dân thì không bị xử phạt vi phạm đối với hành vi này”, ông Huy cho biết thêm.
Theo phản ánh của niều doanh nghiệp, khi đăng ký mã số thuế cho người lao động, hệ thống báo bị trùng số chứng minh thư với người khác. “Trong trường hợp này, người lao động mang chứng minh thư gốc đến cơ quan thuế quản lý để được hỗ trợ. Còn trường hợp mã số thuế bị ghi sai tên, họ do chuyển từ chứng minh thư sang căn cước, thì cá nhân phải nộp tờ khai thay đổi thông tin đăng ký thuế và trực tiếp đến cơ quan thuế quản lý để được cập nhật. Còn việc thay đổi từ số chứng minh thư sang số căn cước (mới được cấp) thì cá nhân có thể thực hiện qua Cổng dịch vụ thuế điện tử tại địa chỉ https://thuedientu.gdt.gov.vn để cập nhật số căn cước công dân mới được cấp.
Không quay trở lại Việt Nam do Covid-19 được điều chỉnh lại số thuế TNCN đã khấu trừ
Người lao động nước ngoài sang Việt Nam làm việc phải thực hiện cách ly tập trung theo quy định phòng chống dịch Covid-19, chi phí cách ly (chi phí khách sạn) được doanh nghiệp chi trả trực tiếp cho cơ sở cách ly (khách sạn). Theo Tổng cục Thuế, do người lao động không cách ly tập trung, chi phí thuê khách sạn do doanh nghiệp trả cho cá nhân ở trong thời gian cách ly thì khoản chi này được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công của người lao động nước ngoài.
Người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam từ năm 2019, nhưng năm 2021 mới quyết toán thu nhập, trong trường hợp này, theo Tổng cục Thuế, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên được coi là cá nhân cư trú và có trách nhiệm quyết toán thuế TNCN đối với thu nhập toàn cầu từ tiền lương, tiền công.
Như vậy, năm 2019 do chưa quyết toán thuế sẽ bị xử phạt về chậm nộp hồ sơ quyết toán thuế, tiền chậm nộp nếu năm 2019 phát sinh số thuế phải nộp thêm. Đối với kỳ tính thuế năm 2020, ngày 30/4/2021 là thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán thuế, nếu sau thời điểm này, cá nhân không nộp hồ sơ quyết toán thuế cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về chậm nộp hồ sơ quyết toán thuế.
Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết, kể từ 1/1/2021, thực hiện Nghị định 125/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn thì cá nhân có thể bị phạt đến 5 triệu đồng, 8 triệu đồng, 15 triệu đồng, 25 triệu đồng tùy thuộc vào thời gian chậm nộp hồ sơ quyết toán thuế.
“Tuy nhiên, trường hợp cá nhân phát sinh hoàn thuế TNCN nhưng chậm nộp hồ sơ quyết toán thuế thì không bị phạt vi phạm hành chính”, ông Huy cho biết.
Người lao động nước ngoài có mặt tại Việt Nam liên tục 12 tháng, nhưng năm 2020 chỉ làm việc 60 ngày, trở về nước và không quay trở lại Việt Nam do dịch Covid-19, trường hợp cá nhân có mặt tại Việt Nam tính trong năm dương lịch đầu tiên dưới 183 ngày, nhưng tính trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên thuộc đối tượng cư trú và có nghĩa vụ quyết toán thuế TNCN từ tiền lương, tiền công trong 12 tháng liên tục. Doanh nghiệp khấu trừ thuế áp dụng đối với cá nhân cư trú, khi cá nhân xuất cảnh về nước không quay trở lại Việt Nam làm việc thì xác định lại thân phận cư trú trong 2 tháng năm 2020 để điều chỉnh lại số thuế phải nộp theo quy định về cá nhân không cư trú (ở tại VN dưới 183 ngày).
Chuyên gia nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp từ tháng 4/2018 đến tháng 4/2020, kết thúc hợp đồng lao động và trở về nước, chuyên gia nước ngoài thuộc đối tượng cư trú nên kỳ tính thuế năm 2018, năm 2019 và 4 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp phải khấu trừ thuế của chuyên gia này. Năm 2020, chuyên gia nước ngoài không quay trở lại Việt Nam thì kỳ tính thuế năm 2020 được xác định lại là cá nhân không cư trú và điều chỉnh lại số thuế TNCN đã khấu trừ theo biểu lũy tiến đối với cá nhân cư trú 4 tháng đầu năm 2020.