Nhà báo Tạ Bích Loan, Trưởng Ban sản xuất các chương trình giải trí Đài truyền hình Việt Nam chia sẻ ý tưởng xây dựng chương trình "Khởi nghiệp công nghệ" |
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động tới mọi lĩnh vực của cuộc sống, trí tuệ nhân tạo dần thay thế sức lao động của con người trong nhiều lĩnh vực. Những ứng dụng di động ngày càng phổ biến để giải quyết vấn đề trong cuộc sống nhưng tỷ lệ ứng dụng “Make in Vietnam” lại đang bị áp đảo so với các ứng dụng nước ngoài ngay trên chính chiếc điện của người tiêu dùng Việt.
Với sứ mệnh “Cổ vũ khát vọng Việt Nam”, Ban sản xuất các chương trình giải trí VTV3 Đài truyền hình Việt Nam có sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng sự đồng hành của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel đã cho ra mắt chương trình “Khởi nghiệp công nghệ”.
Đã có nhiều chương trình giới thiệu về các start-up khởi nghiệp công nghệ hoặc khởi nghiệp mang tính đổi mới sáng tạo. Nhưng đây là lần đầu tiên có một cuộc thi trên truyền hình dành cho các ứng dụng điện thoại di động với tên gọi Khởi nghiệp công nghệ, phát sóng 12h, thứ bảy hàng tuần trên VTV3, bắt đầu từ ngày 3/8/2019.
Chương trình sẽ mang đến cái nhìn mới mẻ, dễ hiểu về ý tưởng của các ứng dụng công nghệ, về các nhà lập trình ứng dựng, về cách thức tạo lập và điều hành hoạt động của của một dự án công nghệ. Ngoài ra, chương trình Khởi nghiệp công nghệ còn là cầu nối đưa các ứng tiện ích trên điện thoại thông minh đến với người sử dụng. Đồng thời cũng là nơi gieo hạt ước mơ, ý tưởng và cảm hứng cho các đội chơi cùng khán giả truyền hình.
Chương trình "Khởi nghiệp công nghệ" phát sóng 12h00 vào thứ bảy hàng tuần trên VTV3, bắt đầu từ ngày 3/8/2019. |
Chương trình được tổ chức dưới dạng cuộc thi, bao gồm 3 vòng.
Vòng 1 (8 tập), mỗi tập có 3 đội dự thi. Hội đồng Tư vấn đưa ra nhận định về mặt chuyên môn để định hướng người dùng một cách khách quan. Khách mời truyền thông, báo chí và nghệ sĩ bày tỏ cảm nhận chủ quan với tư cách người sử dụng. 100 khán giả quyền lực ở nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp - đại diện cho nhóm những người sử dụng ứng dụng công nghệ - trực tiếp trải nghiệm apps tại trường quay và đưa ra quyết định có lựa chọn apps đó hay không. Tỷ lệ khán giả lựa chọn tải apps càng cao, cơ hội đi tiếp vào vòng trong của đội chơi càng lớn. Đội chơi đặt cược dựa trên các thông số dữ liệu có được từ cuộc chơi. Phần chơi này thể hiện khả năng tiên liệu thị trường của các nhà sáng lập apps.
Kết thúc vòng 1, 12 trên tổng số 24 đội chơi sẽ đi tiếp vào vòng trong, bao gồm 8 ứng dụng chiến thắng từ mỗi cuộc thi đấu, 4 ứng dụng do Hội đồng Tư vấn lựa chọn.
Vòng 2 (6 tập): 12 ứng dụng vào vòng 2 sẽ trải qua 2 phần thi: Phần 1: Nâng cấp ứng dụng (theo đầu bài của Hội đồng Tư vấn từ vòng 1). Phần 2: Các tác giả bước vào phòng tình huống (dạng tiểu phẩm được xây dựng dựa trên tính năng cũng như những phản hồi của khán giả). Kết thúc vòng 2, ba đội có số điểm cao nhất và 1 sản phẩm do Hội đồng Tư vấn lựa chọn được vào chung kết.
Vòng 3: Chung kết – truyền hình trực tiếp với sự tương tác của chính khán giả truyền hình và có sự tham gia của các nhà đầu tư và quỹ đầu tư… với Giải nhất trị giá 200 triệu đồng.
Quan trọng hơn, đến với chương trình, các đội chơi sẽ được khẳng định bản thân, được nói lên những đóng góp của mình cho xã hội bằng các ứng dụng, các giải pháp công nghệ tiện dụng và hữu ích; các ứng dụng được giới thiệu tới hàng triệu khán giả và các nhà đầu tư trên khắp cả nước và thế giới.
Hiện tại tham gia chương trình "Khởi nghiệp công nghệ" các nhà sáng lập ứng dụng di động mang tới nhiều sản phẩm sáng tạo như: Manmo; iMotor; Telepro; Triptour ...
Hội đồng Tư vấn của chương trình gồm các chuyên gia, cố vấn uy tín giàu kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực sẽ đưa đến những nhận định chuyên sau và định hướng chiến lược để nâng tầm các dự án công nghệ như chuyên gia Vũ Minh Trí, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNG; Chuyên gia Đào Xuân Hoàng, Nhà sáng lập ứng dụng Monkey Junior; Chuyên gia Mai Duy Khoa, Giám đốc TOPICA founder Institute; ông Đào Ngọc Chiến, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) ....
Phát biểu tại họp báo vừa diễn ra, nhà báo Tạ Bích Loan, Trưởng ban sản xuất các chương trình giải trí Đài truyền hình Việt Nam cho biết, đây một chương trình vô cùng khó với những người làm truyền hình và cũng khó với nhiều người bởi nó liên quan đến công nghệ, đến ứng dụng trên điện thoại di động như thế nào... Để đưa những nội dung đó dựng thành một gameshow trên truyền hình truyền tải được đầy đủ ý nghĩa là một việc không dễ. VTV đã ấp ủ chương trình này từ 3 năm trước...
“Chúng tôi ý thức được sứ mệnh và trách nhiệm là hỗ trợ là cổ vũ những khát vọng khởi nghiệp thành công, bớt rủi ro hơn và được nhiều người trong xã hội biết đến. Đó là ý nghĩa thôi thức chúng tôi ra mắt chương trình khởi nghiệp công nghệ”, nhà báo Tạ Bích Loan cho hay.
Ông Đào Xuân Hoàng, nhà sáng lập ứng dụng Monkey Junior - Cố vấn của chương trình chia sẻ: Khi VTV ngỏ lời hợp tác tôi rất hào hứng đây là chương trình đầu tiên về khởi nghiệp công nghệ. Đây cũng là cơ hội lớn cho start-up. "Tôi nhớ trước đây 10 năm khởi nghiệp rất khó mọi người thường ra trường và đi làm cho một số công ty nào đó nhưng bây giờ nhiều người đã nghĩ khác, bản thân mình có thể dấn thân khởi nghiệp và tạo ra giá trị cho xã hội".
“Khởi nghiệp không bằng phẳng, có rất nhiều start-up mới bắt đầu sẽ gặp vô vàn khó khăn phía trước... khi có sân chơi như thế này xuất hiện các start-up có thể tham gia cùng giao lưu chia sẻ với nhau, có cơ hội tiếp cận người dùng và quảng bá sản phẩn là chương trình rất tốt hỗ trợ các start -up phát triển”, ông Hoàng nói.