Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm kiếm khách hàng tại Tuần lễ giới thiệu sản phẩm nông sản Yên Bái, diễn ra từ ngày 4-7/12 tại Hà Nội |
Website hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với Covid-19 đã chính thức đi vào hoạt động tại địa chỉ https://hotro.vibonline.com.vn.
Tại đây, các doanh nghiệp sẽ tìm thấy thông tin cập nhật các gói hỗ trợ hiện hành của nhà nước dành cho các doanh nghiệp vượt qua Covid-19; cập nhật các chính sách, thông tin hỗ trợ theo lĩnh vực ngành nghề của doanh nghiệp.
Các văn bản chính sách hỗ trợ theo Bộ ngành, địa phương ban hành văn bản cũng sẽ được cập nhật trên trang web này.
Theo đó, các doanh nghiệp có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về chính sách hỗ trợ, thủ tục để thụ hưởng các chương trình hỗ trợ theo nhóm ngành nghề, quy mô doanh nghiệp, địa bàn.
Đây là website do VCCI xây dựng và quản trị trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận và tận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ nhằm ứng phó kịp thời với tác động của dịch Covid-19 ( thuộc Chương trình “Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” (Aus4Reform) được thực hiện theo Thỏa thuận tài trợ giữa Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam).
Mục tiêu là tạo ra một kênh thông tin hiệu quả góp phần hỗ trợ nhóm các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp tại địa bàn khó khăn, các doanh nghiệp yếu thế…
Đặc biệt, các doanh nghiệp có thể phản ánh kịp thời các vướng mắc, đề xuất liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt Covid-19 tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cả ở Trung ương và địa phương ngay trên trang web này.
Dự án được thực hiện trên cơ sở khảo sát của VCCI về tác động của Covid-19 tới doanh nghiệp. Những doanh nghiệp đang chịu tác động nghiêm trọng nhất từ dịch Covid-19 tại Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghề nông nghiệp, địa bàn khó khăn. Đây là nhóm doanh nghiệp yếu thế đang chịu nhiều thiệt thòi, nuhwng cũng là nhóm đang gặp rất nhiều khó khăn khi tìm hiểu về các gói hỗ trợ phù hợp và càng khó khăn hơn khi thực hiện các thủ tục cần thiết để có được gói hỗ trợ một cách nhanh nhất.
Nhóm doanh nghiệp này cũng ít có cơ hội để phản ánh khó khăn, vướng mắc của mình tới các cơ quan nhà nước.
Cần lưu ý rằng, các doanh nghiệp yếu thế nói trên chiếm tới khoảng 90% trong số 800.000 doanh nghiệp hiện nay trên cả nước. Dù số thuế đóng góp ngân sách nhà nước còn khiêm tốn, nhưng nhóm doanh nghiệp này đang tạo ra lượng công ăn việc làm đáng kể cho người lao động, từ đó góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an sinh xã hội tại Việt Nam.