Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 có tổng công suất 1.500 MW, tổng vốn đầu tư gần 54.000 tỷ đồng. Dự án được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 6/10/2021; Tổ hợp nhà đầu tư Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, Tổng công ty Năng lượng Hanwha, Tổng công ty Khí Hàn Quốc - KOGAS, Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc - KOSPO thực hiện.
Dự án được xây dựng tại địa phận hai xã Hải An và Hải Ba (huyện Hải Lăng), nằm trong khu phức hợp năng lượng của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị với quy mô diện tích đất sử dụng khoảng 148 ha.
Khu vực thực hiện dự án LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 |
Mặc dù theo kế hoạch dự án sẽ khởi công vào đầu năm 2024, tuy nhiên trên thực tế đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai khi rất nhiều thủ tục liên quan chưa hoàn thiện. Trong đó, “nút thắt” lớn nhất chính là phải điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung và Quy hoạch phân khu xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, giai đoạn 1 sau khi nhà đầu tư xin điều chỉnh phương án bố trí tổng mặt bằng dự án để phù hợp với quy mô công suất 1.500 MW đã phê duyệt tại Quy hoạch điện VIII.
Theo BQL Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị cho biết, về thủ tục báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), hiện nay, Tổ hợp nhà đầu tư đang chỉ đạo đơn vị tư vấn (Viện Năng lượng) khẩn trương rà soát, cập nhật và hoàn thiện nội dung ĐTM theo ý kiến của Hội đồng thẩm định, nộp lại Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, phê duyệt.
Đối với thủ tục xin cấp phép khai thác và sử dụng nước biển cửa dự án, hiện Công ty CP tư vấn xây dựng điện 1 (đơn vị tư vấn) đã hoàn thiện báo cáo khai thác và sử dụng nước biển của dự án và Tổ hợp nhà đầu tư đang rà soát, xem xét báo cáo này trước khi trình cơ quan có thẩm quyền để xin cấp phép khai thác và sử dụng nước biển tại dự án.
Về thỏa thuận vị trí, thông số kỹ thuật chi tiết cảng biển, bến cảng, cầu cảng, luồng hàng hải của dự án, ngày 16/7 vừa qua, Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến sớm được phê duyệt trong thời gian tới.
Vì vậy, BQL Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị trong ngày 18/7 đã có văn bản đề nghị Tổ hợp nhà đầu tư chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục liên quan để Sở GTVT khâu nối làm việc với Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam để được xem xét trước hồ sơ thỏa thuận các thông số kỹ thuật chi tiết cảng biển, bến cảng, cầu cảng, luồng hàng hải Dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1 làm cơ sở chỉnh sửa, hoàn thiện để được thỏa thuận ngay sau khi Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030 được phê duyệt.
Đối với thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, tại Văn bản số 3397/UBND-KT ngày 24/7, UBND tỉnh Quảng Trị đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chức năng của cơ quan đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư thực hiện ở cả bên trong và bên ngoài phạm vi Khu kinh tế (trong đó có Dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1). Ngày 2/8, BQL Khu kinh tế tỉnh đã có văn bản đề xuất các nhiệm vụ để BQL Khu kinh tế tiếp tục xử lý và nhiệm vụ bàn giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xử lý theo quy định. Hiện nay, BQL Khu kinh tế đang đợi văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh để thực hiện bàn giao hồ sơ tài liệu cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục xử lý và giải quyết hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án của Tổ hợp nhà đầu tư theo quy định.
Về hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư, hiện nay Tổ hợp nhà đầu tư đã gửi một bộ hồ sơ để BQL Khu kinh tế rà soát, hỗ trợ hướng dẫn Tổ hợp nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ, sau khi điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu được phê duyệt, Tổ hợp nhà đầu tư nộp hồ sơ cho cơ quan đăng ký đầu tư để tổ chức lấy ý kiến thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định.
Đối với việc lập văn phòng và bố trí nhân sự thực hiện dự án tại tỉnh Quảng Trị và thành lập tổ chức kinh tế, BQL Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị đã nhiều lần có văn bản đốc thúc Tổ hợp nhà đầu tư khẩn trương lập văn phòng và bố trí nhân sự thực hiện dự án tại tỉnh Quảng Trị. Tuy vậy, đến nay, Tổ hợp nhà đầu tư vân chưa thực hiện.
Vào ngày 25/7 vừa qua, Tổ hợp nhà đầu tư đã có báo cáo quy trình thành lập tổ chức kinh tế thực hiện dự án (SPC). Theo nhà đầu tư, việc thành lập SPC chỉ có thể tiến hành kể từ khi báo cáo nghiên cứu khả thi dự án được phê duyệt.
Tổ hợp nhà đầu tư cũng cho biết, việc thành lập SPC qua 3 bước (Bước 1: Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc thẩm định tính khả thi của Dự án; Bước 2: Chấp thuận của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc; Bước 3: Phê duyệt nội bộ của Ban lãnh đạo các Nhà đầu tư T&T, Hanwha, Kogas, Kospo), thời gian thực hiện tối thiểu 12 tháng kể từ ngày FS được phê duyệt, thẩm duyệt qua các cấp có thẩm quyền tại Hàn Quốc mới đủ cơ sở pháp lý thành lập được SPC.
Ông Phạm Ngọc Minh, Trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện nay BQL Khu kinh tế tỉnh cũng đã có văn bản dự thảo quyết định thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện dự án và đang lấy ý kiến các sở ban ngành, địa phương liên quan.
"Trên cơ sở ý kiến tham gia của các đơn vị, BQL Khu kinh tế tổng hợp và trình UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo thực hiện, hoàn thành trong tháng 8/2024", ông Phạm Ngọc Minh thông tin.