Tiêu dùng
Rau quả Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Australia ùn ùn về Việt Nam
Thế Hải - 07/06/2019 14:42
5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam nhập khẩu một lượng rau quả rất lớn từ các thị trường Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ , Australia..., với giá trị nhập khẩu ước đạt 850 triệu USD.
4 thị trường lớn cung cấp rau quả cho Việt Nam nhiều nhất trong 4 tháng 2019 lần lượt là Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Australia.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu rau quả vào Việt Nam tăng mạnh trong 2 tháng gần đây.

Mức chi nhập khẩu rau quả trong tháng 3/2019 tăng 28,1% so với tháng 2, đến tháng 4/2019 tiếp tục tăng mạnh 68,1% so với tháng 3/2019, đạt 231,8 triệu USD. Còn so với cùng kỳ tháng 4/2018 đã tăng tới 108,4%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả đạt 650,69 triệu USD, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2018. Ước tính giá trị nhập khẩu 5 tháng đầu năm lên tới 850 triệu USD.

Thái Lan tiếp tục là thị trường cung cấp rau quả cho Việt Nam lớn nhất. 4 tháng qua, giá trị nhập khẩu rau quả từ Thái Lan chiếm 46,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của cả nước, đạt 302,59 triệu USD, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ riêng tháng 4/2019 nhập khẩu từ thị trường này cũng tăng rất mạnh 128,5% so với tháng liền kề trước đó và tăng 135,3% so với cùng tháng năm ngoái, đạt 133,98 triệu USD.

Rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 4/2019 cũng tăng mạnh 135,5% so với tháng 4/2018, đạt 39,75 triệu USD, nâng tổng kim ngạch cả 4 tháng đầu năm lên 127,62 triệu USD, chiếm 19,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của cả nước, tăng 47,5% so với cùng kỳ.

Rau quả từ Mỹ nhập vào Việt Nam 4 tháng đầu năm 2019 đạt 71,15 triệu USD, tăng 56,5% so với cùng kỳ. Nhập khẩu rau quả từ Australia  đạt 33,04 triệu USD, tăng 64,1%. Riêng tháng 4 chi nhập khẩu đạt 18,07 triệu USD, tăng 28,3% so với tháng trước đó và tăng 176,6% so với tháng 4/2018.

Nhìn chung, trong 4 tháng đầu năm nay, nhập khẩu rau quả từ hầu hết các thị trường đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tăng mạnh ở các thị trường sau: Israel tăng 201,4%, đạt 1,93 triệu USD; Myanmar tăng 66,4%, đạt 19,37 triệu USD; Australia tăng 64,1%, đạt 33,04 triệu USD; Mỹ tăng 56,5%, đạt 71,15 triệu USD.

Tuy nhiên, có một vài thị trường sụt giảm mạnh như: Chi Lê giảm 57%, đạt 1,13 triệu USD; Brazil giảm 15,9%, đạt 1,32 triệu USD; Malaysia giảm 26,2%, đạt 0,91 triệu USD.

Bộ Công Thương cho biết, năm 2018, Việt Nam đã chi 1,75 tỷ USD để nhập khẩu rau quả, tăng 12,7% so với năm 2017. Dù vậy, tốc độ tăng nhập khẩu rau quả đã có sự sụt giảm so với các năm trước, cụ thể năm 2017 tăng 67,3%, năm 2016 tăng 48,7%.

Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất trong năm 2018 là Thái Lan đạt 681 triệu USD (chiếm 39,0%), Trung Quốc đạt 429,9 triệu USD (chiếm 24,6%).

Nhập khẩu rau quả từ hầu hết các thị trường chính trong năm 2018 đều tăng so với năm 2017 ngoại trừ thị trường Thái Lan (giảm 20,6%) và Myanmar (giảm 5,2%). Trong đó, các thị trường có giá trị nhập khẩu rau quả tăng nhiều nhất là Chi Lê (tăng 99,9%), tiếp đến là Hoa Kỳ (tăng 98,2%) và Ấn Độ (tăng 85,1%).

Rau quả nhập khẩu từ Thái Lan gồm các loại hoa quả như xoài, chôm chôm, thanh long, mít, sầu riêng, nhãn chủ yếu phục vụ cho tái xuất khẩu.

Trong khi đó, nhập từ Trung Quốc chủ yếu là bắp cải, cà rốt, su hào, súp lơ, khoai tây; các loại hoa quả đầu mùa như mận, táo, lê, dưa vàng, lựu, nho và quýt; và nhập khẩu từ các thị trường Hoa Kỳ, Australia, Hàn Quốc, Nam Phi... các loại trái cây như táo, lê, nho đen, nho xanh, cherry, kiwi... để phục vụ cho tiêu dùng trong nước.

Tin liên quan
Tin khác